Tình trạng trẻ nhập viện tăng mạnh trong những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt với chủ yếu là các triệu chứng viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết…
Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các bác sĩ tại đây cho biết khoảng 1 tháng gần đây, tỷ lệ bệnh nhi tới khám có biểu hiện ốm sốt tại cơ sở y tế này tăng cao, thậm chí không chỉ trẻ nhỏ, số lượng bệnh nhân thông thường tới khám cũng tăng khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho 1.000 - 1.200 trẻ. Gần đây, số bệnh nhân tăng vọt, bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám vào khung giờ cao điểm. Một bác sĩ thăm khám trung bình cho 60 trẻ mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với trước kia.
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, không ít người dân cho biết gia đình họ buộc phải đưa con mình tới những bệnh viện khác để nằm viện sau khi thăm khám tại cơ sở y tế này, vì bệnh viện không còn phòng bệnh trống. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện E, ở đây bệnh nhi phải nằm ghép đôi, ghép ba do số lượng bệnh nhân quá đông.
Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đang rơi vào tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhi quá lớn. Bác sĩ Vũ Thị Mai cho biết: “Hiện tại Khoa Nhi đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Cả khoa có 6-7 bác sĩ, nhưng đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi, mỗi bác sĩ phải điều trị cho 20-30 bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh nhân đông, bác sĩ lại có hạn do vậy thầy thuốc phải trực 24/24h, hầu như không được nghỉ ngơi”.
TS. BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, nguyên nhân của tình trạng này có thể là do nhiều loại bệnh đang cùng lưu hành như cúm mùa, Adenovirus, sốt xuất huyết. Ngoài ra, thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt, trẻ em có sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.
GS. TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết thêm, bên cạnh những bệnh lý hô hấp như hen phế quản, COPD, viêm phổi kẽ..., hiện xuất hiện nhiều bệnh lý mới nổi chưa từng có trước đây như Covid-19 và các bệnh phổi liên quan. Sau mắc Covid-19, tổn thương niêm mạc đường hô hấp tạo cơ hội cho các vi khuẩn virus khác hoạt động nhiều hơn do vậy trẻ dễ bị tình trạng nặng hơn khi nhiễm các mầm bệnh khác. Cùng với đó, 2 năm qua do dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, việc uống vitamin A cũng bị chậm, nhiều trẻ bỏ uống theo đợt… cũng là tác nhân cộng hưởng khiến bệnh tăng cao. Điều đó kết hợp với tình trạng tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã làm cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường hô hấp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Công Tước nhấn mạnh hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp. Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống. “Đây là điều rất nguy hiểm. Việc làm này có thể dẫn đến tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh gặp nhiều khó khăn trong điều trị” - bác sĩ Tước lưu ý.
Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, gia đình và bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Thay vào đó, cần đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc, từ đó tránh bệnh diễn biến nặng, gây biến chứng, đồng thời hạn chế nguy cơ lây bệnh sang những người xung quanh.
TS. BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, để giúp trẻ phòng ngừa dịch bệnh, cha mẹ nên thường xuyên rửa tay cho trẻ để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus cúm trong mùa cúm, đồng thời bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác. Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: Che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Cho trẻ ở nhà khi bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp, vì những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh. Tiêm phòng định kỳ hàng năm nếu được khuyến cáo. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.