Thời trang nhanh - Bài 1: Dẫn đầu xu hướng

Ngọc Ánh - tiến Dũng 20/08/2023 08:32

Nhu cầu của xã hội hiện đại đã kéo theo sự lớn mạnh không ngừng của thời trang nhanh. Xu hướng này đã và đang tồn tại, phát triển từ những ông lớn ngành công nghiệp thời trang cho tới các sàn thương mại điện tử.

Một số thương hiệu nổi tiếng về thời trang nhanh. Nguồn: Pinterest.

"Ông hoàng" thời trang

Thời trang nhanh (Fast Fashion) hay còn được gọi với cái tên “thời trang ăn liền” là những cụm từ được sử dụng để chỉ xu hướng thời trang được thiết kế, sản xuất và ra mắt người tiêu dùng một cách nhanh chóng với khối lượng quần áo lớn cùng nhiều mẫu mã bắt “trend”, phù hợp với giá tiền và mong muốn của khách hàng.

Trước năm 1800, hầu hết quần áo được tạo ra bằng cách nuôi cừu để lấy len và dệt vải. Cho tới năm 1846, máy may góp phần nhanh chóng làm giảm giá thành và tăng quy mô sản xuất trang phục, lúc bấy giờ quần áo may sẵn bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn. Vào những năm 1960, xu hướng này bắt đầu chuyển mình và phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Tại Châu Âu thời điểm đó, giới trẻ bắt đầu chuộng các loại quần áo rẻ tiền và thay đổi quần áo liên tục với mục đích tránh khỏi sự lỗi thời trong phong cách thời trang. Bởi vậy, họ đã từ bỏ những bộ đồ theo cách may mặc truyền thống để chạy theo “trend”.

Cũng chính vì vậy, các thương hiệu thời trang bình dân đã phải thay đổi cách hoạt động nhằm tìm ra phương pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về quần áo giá rẻ. Từ đó, để chạy theo thị hiếu của khách hàng, các nhà bán lẻ đã sản xuất hàng tuần số lượng lớn những bộ quần áo hợp thời trang, giá rẻ, song kém chất lượng với mong muốn kích thích sức mua, đặc biệt ở người trẻ.

Những thương hiệu thời trang nhanh có thể kể đến đầu tiên cũng là những “gã khổng lồ” khá quen thuộc: Zara, H&M, Uniqlo,... Mỗi năm, các thương hiệu này tung ra thị trường hàng tỷ sản phẩm và hàng trăm nghìn mẫu thiết kế mới, nhiều gấp 3 - 4 lần so với thời trang truyền thống.

Đơn cử như Zara - ông lớn trong ngành thời trang nhanh, ban đầu xuất phát từ một của hàng nhỏ tại phía Bắc Tây Ban Nha và ra đời năm 1975, được cho là sử dụng nguyên tắc: Biến tốc độ thành tăng trưởng. Khi Zara bước chân vào thị trường Mỹ đầu năm 1990, tờ New York Times đã lấy thuật ngữ “thời trang nhanh” để mô tả cửa hàng bởi họ chỉ mất vỏn vẹn 15 ngày để một bộ quần áo đi từ đầu óc của người thiết kế đến tay người tiêu dùng.

Sự nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu hướng của các hãng bán lẻ bình dân đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng đặc biệt là giới trẻ. Anh L.T.D. (nhân viên cửa hàng Zara tại Hà Nội) chia sẻ: Chúng tôi không chỉ thu hút được khách hàng trẻ tuổi mà cả những khách hàng trung niên có lẽ bởi đây là một thương hiệu ngoại với nhiều mẫu mã từ già đến trẻ, cùng giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Ngoài ra, hai lần mỗi tuần chúng tôi lại trưng bày mẫu mã mới để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn đồng thời bắt kịp xu hướng luôn xoay chuyển của ngành công nghiệp thời trang”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest.

Ngành hàng đứng "top"

Tại Việt Nam thời trang nhanh đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Nhất là trong thời đại công nghệ, giới trẻ dành nhiều thời gian để mua sắm, “săn sale” quần áo giá rẻ với mức giá chỉ dao động khoảng 100 nghìn đến 200 nghìn VNĐ trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,..., điều này giúp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể cho các bạn học sinh, sinh viên.

Xuất phát từ tâm lý tiền ít - mặc đẹp, với nhu cầu chạy theo xu hướng của thời trang và coi việc mua sắm để “bằng bạn bằng bè” là một chuẩn mực sống, thế hệ Genz đã và đang góp phần khiến xu hướng thời trang nhanh ngày càng phát triển.

Theo báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn cho biết, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm và mua sắm nhiều nhất tại thị trường có sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Nguyễn Thị Lan Anh (21 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã lựa chọn săn sale quần áo trên Shopee thay vì cách mua quần áo theo kiểu truyền thống vì mua trên các sàn thương mại điện tử vào những đợt khuyến mãi sẽ có giá thành rất rẻ so với mặt bằng chung của quần áo trên thị trường. Ngoài ra, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử vừa dễ dàng vừa tiện lợi và nhanh chóng nên đã trở thành lựa chọn hàng đầu của mình”.

Theo Lan Anh, đối với nhiều sinh viên thì việc mua sắm với giá thành rẻ hơn so với mặt bằng chung trên thị trường là một ưu điểm lớn được nhiều người đánh giá cao. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử luôn có những ưu đãi vào các ngày cố định trong một tháng, điều này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều cho chi phí sinh hoạt cho sinh viên nói riêng, người lao động tại Hà Nội đắt đỏ nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời trang nhanh - Bài 1: Dẫn đầu xu hướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO