Thời trang và cuộc chiến 'sân nhà'

Hà An 24/07/2023 08:30

Trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước thiếu đơn hàng, thì lại có một “cuộc chiến” giành thị phần thời trang ngay tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mặc dù doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng, nhưng nếu không có chiến lược kinh doanh bài bản cũng sẽ khó cạnh tranh...

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh.

Sức hút của thị trường Việt Nam

Những năm qua, số lượng thương hiệu thời trang nước ngoài vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng lên. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp đã có mặt ở Việt Nam và liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành dệt may toàn cầu gặp khó khăn do lạm phát, kể cả suy thoái thì từ đầu năm đến nay, nhãn hàng Uniqlo (Nhật Bản) đã liên tiếp tiếp khai trương cửa hàng mới tại nhiều nơi tại Việt Nam. Trong khi đó, năm 2017, thương hiệu H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam thì đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố với 12 cửa hàng. Cuối năm 2022, thương hiệu quần áo MLB (Hàn Quốc) đã liên tiếp mở 3 cửa hàng lớn tại TPHCM, Đà Nẵng và hiện có 18 cửa hàng trên khắp toàn quốc.

Nhìn chung, với lợi thế về thương hiệu, khi đặt chân vào thị trường Việt Nam các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã nhanh chóng tiếp cận được thế hệ trẻ - nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến thời trang, kiểu dáng thay đổi liên tục. Thậm chí, Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) được xem là “ngoại đạo” của ngành may mặc, nhưng vừa qua cũng cho ra mắt My Closet - thương hiệu thời trang nhanh (fast- fashion) giá rẻ. Điều này cho thấy sức hút của thị trường Việt Nam.

Theo Statista, thị trường may mặc tại Việt Nam được dự báo đạt 7,33 tỉ USD vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để khai thác.

Tới nay, ngay trên sân nhà, các DN dệt may Việt Nam đã phải vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nhãn hàng thời trang ngoại. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10, đơn vị tự hào có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam cho biết, muốn giành được thị phần ngay trên “sân nhà” thì dệt may Việt Nam cần phải chủ động nhiều hơn. Cần có đội ngũ nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp để liên tục cập nhật các xu hướng thời trang, công nghệ mới. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại thì còn là vấn đề giá.

Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ lạc quan khi cho rằng các DN đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi nếu 10 năm trước người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài, thì nay không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam.

Ông Hiếu cho biết, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Sắp tới, Vinatex định hướng mở rộng thêm cửa hàng, trung tâm bán lẻ thời trang Vinatex ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cuộc chiến trên sân nhà

Trước bối cảnh xuất khẩu gặp khó, việc khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp DN dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh. Không bỏ lỡ cơ hội này, nhiều DN dệt may từ lâu đã chú trọng hơn đến việc chiếm thị phần trong nước.

Theo ông Vũ Ðức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thị trường trong nước với quy mô gần 5 tỷ USD đang được DN nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng.

Tuy có nhiều ưu thế, nhưng “cuộc chiến sân nhà” sản phẩm dệt may của các DN không hẳn đã “ăn đứt” hàng ngoại nhập. Một trong những vấn đề rất quan trọng đó là phải đầu tư “xanh hóa” trong sản xuất dệt may. Đây không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà là ngay trước mắt.

Theo Chủ tịch Vitas, vẫn còn nhiều rào cản thúc đẩy quá trình “xanh hóa”. Riêng với vấn đề môi trường, đây là xu thế không thể đảo ngược nên các DN cần tập trung giảm phát thải; xử lý, tái sử dụng nước; sử dụng năng lượng tái tạo; tái chế, tái sử dụng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã buộc các DN dệt may Việt Nam phải chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, có 3 vấn đề được cho là khó khăn và rào cản. Thứ nhất, không phải DN nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa. Thứ hai là vấn đề về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện, trong khi 80% DN dệt may là DN vừa và nhỏ. Thứ ba, đó là nguồn lực về con người, bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xanh hóa cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất quan trọng và cần thiết nhưng các DN vẫn còn yếu.

Theo ông Vũ Ðức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ là yêu cầu tất yếu của ngành dệt may. Tuy nhiên rào cản lớn nhất DN gặp phải là chi phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa cao. Nỗ lực từ phía DN là yếu tố “cần”, còn hỗ trợ từ nhà nước là yếu tố “đủ”, đồng hành với DN để xây dựng chiến lược phát triển xanh hóa, năng lượng tái tạo, năng lượng nguồn nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời trang và cuộc chiến 'sân nhà'