Trong lúc cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, bất chợt người ta liên tưởng tới những bộ phim lấy đề tài dịch bệnh. Và thật bất ngờ, nhiều bộ phim trong số đó lại cho con người cảm giác giống như những gì đang diễn ra. Phải chăng các tác giả phim đã tiên đoán được dịch bệnh của ngày hôm nay? Câu hỏi đó thật khó trả lời nhưng dẫu sao thì những bộ phim giả tưởng nhiều phần kinh dị như vậy cũng khiến người ta lúng túng.
Hollywood dự đoán đại dịch
Hollywood được coi là tiên phong trong dòng phim dịch bệnh, kinh dị, thảm họa.
Nổi bật trong những bộ phim “dự đoán đại dịch” là bộ phim “Contagion” (năm 2011). Xem lại, người ta thấy rằng nó như thể đang “kể lại” đại dịch Covid-19 của 9 năm sau. Cốt truyện bộ phim “Contagion” của Steven Soderbergh với những gì đang diễn ra trên toàn cầu. Có nghĩa là trong phim và đời thực không khác nhau là mấy.
“Contagion” cũng bắt đầu từ một dịch bệnh do virus gây ra mà khởi đầu là từ Trung Quốc, nơi đông dân nhất thế giới. Các nhà làm phim ngụ ý khi dịch bệnh xuất phát từ Trung Hoa đại lục thì khả năng lây lan của nó rất lớn, vì người Trung Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Điều đó được coi như một sự cảnh báo. Kỳ lạ là bộ phim cho rằng mầm bệnh bắt đầu từ loài dơi- hệt như những phán đoán ban đầu đối với chủng virus Corona mới gây ra dịch Covid-19.
Một điểm khác giữa "Contagion" với đại dịch diễn ra sau nó 9 năm là trong phim người ta xác định được “bệnh nhân số 0” (người đầu tiên bị nhiễm bệnh), còn hiện nay ngoài đời thực thì không xác định được. Nhân vật “bệnh nhân số 0” trong phim do Gwyneth Paltrow thủ vai diễn xuất quá xuất sắc, khiến người xem rùng mình. Anh ta đi trong những đám đông bịt khẩu trang trên đường phố, giống như những gì người ta thấy ngày hôm nay: không chỉ ở Vũ Hán (Trung Quốc) mà khắp nơi trên thế giới.
Trong khi rất nhiều người cho rằng sự tương đồng này là một điều lạ thường thì biên kịch phim “Contagion” Scott Burns lại nói rằng: “Tôi không cảm thấy ngạc nhiên bởi vì trong quá trình tìm hiểu để xử lý kịch bản tôi đã trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực y học. Tất cả những gì tôi nhận được từ họ là không quan trọng nó như thế nào mà là dịch bệnh này sẽ diễn ra khi nào. Tôi rút ra được một điều then chốt từ họ là dịch bệnh này sẽ chắc chắn diễn ra”.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát dữ đội, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải tuyên bố đại dịch toàn cầu, Scott Burns đã liên lạc với 2 bác sĩ là W.Ian Lipkin và Larry Brilliant- họ chính là những người bạn cũng như cố vấn chuyên môn cho bộ phim “Contagion”. Hiện một số hãng phim đã liên hệ với Scott muốn ông sẽ làm tiếp một bộ phim dịch bệnh nữa- nhưng lần này là dựa trên thực tế chứ không phải là tưởng tượng như trước.
Lui lại 25 năm trước, khi phim “Outbreak” của đạo diễn Wolfgang Petersen trình làng đã ngay lập tức gây một làn sóng chấn động về dịch bệnh do “tử thần châu Phi” mang tới. Nó được xây dựng trên thực tế virus Ebola tàn phá châu Phi (trong năm 1990) rồi lan rộng ra nhiều quốc gia ở các châu lục khác. Chỉ có điều, nếu như lúc bấy giờ virus Ebola không gây hậu họa trên diện rộng thì “Outbreak” lại mô tả sự lây lan của nó là không từ bất cứ đâu.
Đạo diễn Wolfgang Petersen cho biết, ông cố gắng dựng bộ phim này theo lối kinh điển nhất có thể, để người ta dễ tiếp cận từ đó có thể thức tỉnh con người về dịch bệnh do virus gây ra. “Nó là bộ phim có tính cảnh báo từ một nạn dịch có thật. Tôi muốn loài người hiểu rằng khi để virus “xổng ra” thì mức độ lây lan là khủng khiếp, nó không chỉ khiến người ta tử vong mà còn làm tổn thương xã hội loài người một cách sâu sắc”- đạo diễn Wolfgang nói. Trong “Outbreak”, loại virus đáng sợ được gọi tên virus Motaba, bắt đầu xuất hiện ở châu Phi, sau đó lan sang Mỹ và nhiều vùng trên thế giới.
Một bộ phim khác cũng rất ám ảnh là “28 days later”- phần 2 của nó có tên “28 weeks later”, sản xuất 5 năm sau đó (năm 2007), bởi đạo diễn Juan Carlos Fresnadillo. Đây là bộ phim pha trộn hai thể loại viễn tưởng và kinh dị lấy bối cảnh đại dịch zombie- xác sống. Đáng chú ý, bộ phim lấy bối cảnh nước Anh thời hiện đại khiến người xem hôm nay rất dễ liên tưởng đến những gì đang diễn ra ở London. Phim cũng cho rằng người Anh đã không tập trung tìm cách đối phó với thảm họa, để rồi con người trong và sau đại dịch đã đối xử với nhau thật tồi tệ. Điều đó còn kinh khủng hơn cả sự tàn phá của dịch bệnh. Người thân trong gia đình, bạn bè phản bội nhau. Phim là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa quân đoàn binh sĩ và các thây ma có sức mạnh của sự điên cuồng. Nó cảnh báo (hay là khắc họa?) rằng, khi thảm họa ập tới sẽ dẫn tới sự biến đổi nhân tính. Người ta buộc phải lựa chọn phải làm gì với những người đã nhiễm bệnh, sẽ trở thành xác sống.
Cũng liên quan đến nước Anh là bộ phim “Doomsday (sản xuất năm 2008) của đạo diễn Neil Marshall. Phim nói về loại virus Reaper có sức lây lan khủng khiếp. Ban đầu nó chỉ có biểu hiện như cảm lạnh thông thường, nhưng nó âm thầm tàn phá loài người, nhất là ở nước Anh và Scotland.
Xa hơn một chút, phim “Children of men”- đạo diễn, Alfonso Cuaron (ra mắt năm 2006) từng được cho là kiệt tác khi mô tả sự tuyệt vọng của loài người khi dịch bệnh lạ lan tràn. Nó thực sự hãi hùng khi “kể” rằng, căn bệnh kỳ lạ nọ lây lan trên toàn cầu không gây tử vong nhưng lại khiến cho nhân loại mất đi khả năng thụ thai hoặc sinh con. Người ta vội vã tìm thuốc nhưng thời gian không còn nhiều, để rồi toàn bộ nhân loại dần trở nên quá già nua để có thể phục hồi dân số. “Tôi muốn nói rằng, nhân loại phải đấu tranh cho sự sống của chính mình. Một khi chúng ta không sinh nở nữa cũng có nghĩa là diệt vong”- đạo diễn Alfonso nói. Giới phê bình thì thống nhất cho rằng, Alfonso đã lấy cảm hứng từ nỗi lo dịch bệnh lạ cộng với chuyện “thờ ơ” lập gia đình và sinh con đẻ cái khi nó trở thành trào lưu.
Người Hàn cũng không chậm chân
Một quốc gia châu Á là Hàn Quốc cũng không thờ ơ với thể loại phim đại dịch toàn cầu. Trong gần 10 năm trở lại đây, họ đã có một số phim rất ấn tượng về đề tài này.
“Deranged” của đạo diễn Park Jung-woo (trình chiếu năm 2012) là một trong những bộ phim như thế. Phim mô tả một bệnh dịch kỳ lạ gây ra hoảng loạn khắp xứ Hàn với số người chết ngày càng tăng. Chính phủ buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì không tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị. Các nhân viên y tế cũng hoảng loạn vì họ rất có thể sẽ là nguồn lây nhiễm cho người thân của chính mình. Và rồi, trong quá trình chạy đua với thời gian để giành lại mạng sống đang bị đe dọa nghiêm trọng của chính gia đình mình, Jae Hyuk (nhân viên y tế) cùng với anh trai- thanh tra Jae Pil- và bạn gái của Jae Pil là Yeon Yoo đã khám phá ra một sự thật khủng khiếp. Khủng khiếp còn hơn dịch bệnh vì nó chính là nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh.
Tương tự, bộ phim “The Flu” cũng của một đạo diễn khác cũng người Hàn, Kim Sung-soo. Phim kể về sự bùng phát của một chủng H5N1 gây chết người trong vòng 36 giờ. Nó khiến cho quận Bundang và Seongnam (ngoại ô Seoul) rơi vào cảnh hỗn loạn. Dịch bệnh khủng khiếp này bắt nguồn từ một nhóm người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc trên một chiếc xe container. Chiếc xe gặp nạn dọc đường khiến virus phát tán ra không khí từ những người nhập cư trái phép. Không còn cách nào khác, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm In Hye và nhân viên cứu nạn Ji Goo buộc phải vào khu vực cách lý để tìm huyết thanh phát triển vaccine ngăn ngừa căn bệnh, để cứu lấy gia đình mình và những người xung quanh.
Một bộ phim nữa cũng của Hàn Quốc có tên “Train to Busan”, của đạo diễn Yeon Sang-ho, trình chiếu từ năm 2016. Bối cảnh của phim chỉ diễn ra trên một chuyến tàu. Nó bắt đầu khi Hàn Quốc bị tấn công bởi một loại virus bí ẩn, biến con người thành xác sống khát máu. Có mặt trên cao tốc từ Seoul tới Busan là một người cha cùng hai vợ chồng con gái chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Cùng với họ là một số cô cậu học sinh trung học. Khi đại dịch bùng phát, hành trình 453 km từ Seoul tới vùng an toàn Busan bỗng thành cuộc chiến để sinh tồn.
* * *
Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, xem lại những bộ phim dịch bệnh người ta thấy rằng nguồn gốc bệnh đến từ thiên nhiên những cũng đến từ chính sự thờ ơ, chủ quan của loài người. Cộng lại, nó hoàn toàn có thể hủy diệt nhân loại, hủy diệt sự sống trên trái đất; nếu như con người không cùng nhau chống lại mối đe dọa đó.
Phim dịch bệnh đã xuất hiện từ những năm 1950 của thế kỉ trước, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Người ta cho rằng, cùng với vũ khí nguyên tử thì vũ khí sinh học là vô cùng ghê gớm- bởi nó chính là cái chết lây lan. Bằng trí tưởng tượng phong phú có phần khác lạ, những nhà làm dòng phim này (biên kịch, đạo diễn, nhà đầu tư) được coi là đi trước thời đại khi đưa ra những cảnh báo. Giới phê bình điện ảnh chia làm hai phe, một bên thì ủng hộ, một bên lại chê trách. Phe ủng hộ cho rằng, đó là những con người biết vì cộng đồng mà lên tiếng cảnh báo, chấp nhận doanh số thu được ít ỏi cho dù phải đầu tư khá lớn. “Họ vì tất cả chúng ta, vì tương lai của loài người”- Phillipe Morgan, một cây bút của làng phê bình điện ảnh Hollywood nói.
Ở phía ngược lại, nhiều người cho rằng những bộ phim “lấy cảm hứng từ dịch bệnh” không khác gì đe dọa tinh thần nhân loại, khiến người ta khiếp sợ, tạo ra những vết hằn nguy hại trong não con người. Lee Tung-an, một cây bút phê bình điện ảnh Hollywood gốc Á còn lưu ý, các nhà làm phim dịch bệnh hay “lấy cảm hứng dịch bệnh từ châu Á”, không khác nào “đổ tội cho châu Á mỗi khi dịch bệnh xảy ra”. Ông ta cũng không quên nhấn mạnh rằng, đó là những bộ phim “tối nghĩa”.
Nhưng, dẫu thế thì người ta vẫn cho rằng, loài người cần cảnh giác!