Liên quan đến thông báo Kết luận tố cáo của Sở Tư pháp Hà Nội về hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong đấu giá tài sản của Công ty đấu giá Hợp danh tài sản Đông Đô, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật Sư Hà Nội.
Liên quan thông báo Kết luận tố cáo của Sở Tư pháp Hà Nội về hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong đấu giá tài sản của Công ty đấu giá Hợp danh tài sản Đông Đô, ngày16/7/2021, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài 'Công ty Đấu giá Đông Đô bị tố thông đồng, móc nối làm sai lệch kết quả đấu giá' , nhằm giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật Sư Hà Nội về nội dung này.
PV: Thưa Luật sư, Ngân hàng TPCP Quốc dân (Ngân hàng NCB) và Công ty Đấu giá Hợp danh Tài sản Đông Đô (Công ty Đấu giá Đông Đô) ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, tuy nhiên Công ty Đấu giá Đông Đô làm sai và bị cơ quan chức năng phát hiện yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và hủy kết quả đấu giá tài sản. Lúc này trách nhiệm thuộc về ai và các bên phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Căn cứ điều 72 Luật Đấu giá tài sản, theo đó kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trường hợp 2: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp 3: Người có tài sản đấu giá hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ sau:
- Tổ chức không có chức năng hoạt động đấu giá tài sản mà tiến hành cuộc đấu giá hoặc cá nhân không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện;
- Tổ chức đấu giá tài sản cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia đấu giá và trúng đấu giá;
- Tổ chức đấu giá tài sản có một trong các hành vi: không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá;
- Tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
- Tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cuộc đấu giá không đúng quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo Quy chế cuộc đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp 4: Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
Trường hợp 5: Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ đã nêu tại Trường hợp 3 trên đây.
Theo đó, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản được thể hiện rất rõ: Căn cứ vào điều 73 Luật đấu giá 2016. Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo các trường hợp 2,3,4,5 tại Mục 1 bài viết này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện nghiêm túc các quy định về hủy kết quả đấu giá tài sản, đặc biệt là các trường hợp 2,3,4,5 nêu trên sẽ góp phần đưa hoạt động đấu giá tài sản ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản.
Trong cùng một ngày, Công ty Đấu giá Đông Đô đã ban hành Quy chế đấu giá và thực hiện niêm yết đấu giá tài sản có vi phạm pháp luật không? Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào điều 34 quy định về Quy chế cuộc đấu giá, căn cứ điều 35 quy định Niêm yết việc đấu giá, cụ thể khoản 1 điều 34 Luật đấu giá 2016 quy định “1. Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.”. Tại khoản 1 điều 35 Luật đấu giá 2016 cũng quy định về việc thời gian niêm yết tài sản đấu giá, cụ thể: “1. Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản như sau:
a) Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá;
b) Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.”
Như vậy việc Công ty đấu giá đã ban hành Quy chế đấu giá và thực hiện niêm yết việc đấu giá tài sản là có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện được những sai phạm trong quá trình thực hiện đáu giá thì theo quy định tại điều 75, 76 Luật tố cáo 2016 chúng ta có thể khiếu nại, khởi kiện hoặc tố cáo. Việc tiến hành thực hiện khiếu nại, tố cáo chúng ta thực hiện theo quy định tại Luật khiếu nai và Luật về tố cáo.
Công ty Đấu giá Đông Đô ra thông báo đấu giá tài sản, tuy nhiên nhiều người có nhu cầu tham gia đấu giá đến mua nhưng công ty không bán có vi phạm pháp luật không, thưa ông?
- Căn cứ vào điều 38 quy định về đăng ký tham gia đấu giá, cụ thể:
“1. Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.”
Như vậy khi Công ty đấu giá ra thông báo đấu giá tài sản thì người có nhu cầu tham gia đấu giá đến mua phải đăng ký đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các điều kiện đối với trường hợp đấu giá có điều kiện hoặc những trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 38 Luật đấu giá 2016. Trường hợp, Công ty đấu gia không bán cho người có nhu cầu tham gia đấu giá đã vi phạm nghiêm trọng tới quyền lợi của người đấu giá tài sản.
Hành vi thông đồng móc nối với người tham gia đấu giá, dìm giá sẽ bị xử lý như thế nào, thưa Luật sư?
- Điều 70 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan như sau: “Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
- Điểm b Khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: “Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.
Như vậy, hành vi thông đồng móc nối với người tham gia đấu giá là hành vi cấm theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016. Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư, người dân cần làm gì để bảo vệ mình trước tình trạng trên?
Để bảo vệ mình cách tốt nhất là người dân phải trang bị cho bản thân được những kiến thức cơ bản, nắm rõ được trình tự, thủ tục của phiên đấu giá. Nắm rõ thời gian, thành phần hồ sơ của phiên đấu giá. Nhanh chóng thực hiện các quyền khiếu nại tố cáo khi thấy các sai phạm của cơ quan, tổ chức đấu giá.
Xin cảm ơn Luật sư.