Theo Thượng tọa Thích Tâm Đức -Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất được về mặt quản lý tất cả các hệ phái của Phật giáo.
Thượng tọa Thích Tâm Đức.
PV:Xin Thượng tọa cho biết, cơ duyên nào đưa ông đến với Phật pháp?
Thượng tọa Thích Tâm Đức: Tôi đến với Phật pháp đó là một nhân duyên, năm 1972, tôi gặp Hòa thượng Ân sư Minh Châu học thiền, cùng năm đó tôi đăng ký học Phật pháp tại Học viện Phật giáo tại TP HCM khóa 1 với hình thức cư sĩ.
Năm 1981 tôi xuất gia sadi và năm 1985 xuất gia tỳ khưu với Hòa thượng ân sư là thầy bổn sư đặt pháp danh là Tâm Đức.
Trong khoảng thời gian học tập như vậy tôi thấy giữa pháp học (Kinh Pháp Hoa) và pháp hành có mối liên hệ với nhau, do đó tôi nghiên cứu Phật pháp ngày càng sâu.
Thượng tọa có thể đánh giá về vai trò và vị thế của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế?
- Phật giáo Việt Nam có vai trò rất lớn về hệ thống tổ chức. Có thể nói, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất được về mặt quản lý tất cả các hệ phái của Phật giáo.
Mặc dù mỗi hệ phái có phương pháp tu tập riêng, điều này rất quan trọng. Đây là điều rất đặc biệt. Các nước khác như Nhật Bản cũng không thể thống nhất được về mặt quản lý.
Phật giáo Việt Nam đang phát triển và trong quá trình đó cũng gặp không ít những thách thức, đòi hỏi phải chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương?
- Tăng ni của Việt Nam đông nhưng còn hạn chế, thiếu hụt về trình độ văn hóa. Muốn có kỷ cương phải có trí tuệ, kiến thức về Đạo cũng như Đời, phải am hiểu luật pháp mới tuân thủ được.
Vậy trong Đại hội lần này, ý kiến của Thượng tọa như thế nào về việc thiết lập lại kỷ cương Phật pháp?
- Tôi hy vọng vấn đề chấp hành Hiến chương phải được các tăng ni thực hiện. Việc tu chỉnh lại Hiến chương một số điều lần này đã được ban hành thì nên chấp hành, chấp hành được Hiến chương thì mọi việc sẽ đi vào quy củ. Đó là mong đợi của chúng tôi cũng như toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VIII này.
Xin ông cho biết những ảnh hưởng của Phật giáo trong nhịp sống hôm nay, cũng như những đóng góp của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc
- Trước hết việc Phật giáo đồng hành cùng dân tộc là phải chấp hành luật pháp, mà muốn chấp hành luật pháp thì phải có đạo đức, muốn có đạo đức thì phải tu, muốn tu phải đi theo những tổ chức đạo tràng.
Bây giờ trên cả nước có rất nhiều đạo tràng tu tập như: Đạo tràng Pháp Hoa cũng như những buổi chia sẻ tu tập một ngày an lạc cho tất cả các tầng lớp từ trẻ cho tới già.
Những sinh hoạt như vậy sẽ bồi dưỡng đạo đức cho người dân, sẽ làm họ giảm bớt những tham vọng. Nhờ đó tham sân si sẽ giảm xuống, sở dĩ người ta nổi loạn là bởi tham sân si.
Khi tu người ta có ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, đó chính là sự đóng góp của nhà Phật cho sự ổn định chung của của xã hội.
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!