Người Việt ăn muối quá nhiều/ Vì sao tóc bạc sớm?
Người Việt ăn muối quá nhiều.
Thạc sĩ Ngô Thị Hà Phương- Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mô hình ăn uống của người Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu thụ chất béo, đạm, đặc biệt là tiêu thụ dư thừa muối. Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp hai lần lượng muối được khuyên dùng hàng ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, một người trưởng thành nên sử dụng dưới 5 g muối mỗi ngày.
Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Theo nghiên cứu, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ các thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với 35% và 32%).
Theo chuyên gia, lượng Natri ăn vào tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể ước tính chỉ khoảng 200-500 mg một ngày (tương đương 0,5-1,25 g muối, chưa bằng một thìa nhỏ). Thiếu Natri rất hiếm gặp ở người khỏe mạnh bình thường. Trong khi đó, dư thừa Natri so với nhu cầu khuyến nghị, gây tăng tính thấm, tăng trương lực thành mạch, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây ra tăng huyết áp. Tăng tiêu thụ Natri có liên quan tới tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, nhất là đột quỵ và bệnh mạch vành tim.
Vì sao tóc bạc sớm?
Theo BS da liễu Lê Đức Thọ (BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), bệnh bạc tóc sớm còn gọi là poliosis (bạc lông, tóc), do sự thiếu hoặc giảm melanin (hắc tố) trong thân của lông, tóc. Người bị bệnh poliosis thường xuất hiện một hoặc nhiều mảng tóc bạc bất thường. Vị trí thường gặp nhất là đầu tóc, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến lông mày, lông mi hoặc các vị trí khác. Nhìn chung, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác định đến thời điểm nào tóc của một người sẽ bạc. Thông thường, bạc tóc là do sự lão hóa của cơ thể khiến các melanocytes sản xuất ngày càng ít sắc tố melanin.
Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ một khiếm khuyết di truyền trong cấu tạo của melanin hoặc do sự hủy hoại tự nhiên của các tế bào hắc tố ở chân tóc, tổn thương ở nang lông hay chân tóc. Ngoài ra, sự lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh hay yếu tố tuổi già cũng kích hoạt phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào tạo hắc tố melanocytes. Đây là nguyên nhân gây xáo trộn cơ chế tổng hợp melanin quyết định màu sắc tự nhiên của tóc.
Một số bệnh lý khác có thể gây tổn hại nang lông và bạc tóc như bạch biến, rụng tóc từng mảng, nốt ruồi mất sắc tố, tóc bạc đốm, xơ cứng củ... Chấn thương tâm lý, sốc về thể chất hoặc những trải nghiệm căng thẳng khác cũng có thể gây ra chứng bạc lông tóc, đôi khi tạm thời.
Theo bác sĩ Thọ, y học hiện nay chưa tìm ra phương thuốc cụ thể nào giúp thay đổi vĩnh viễn màu tóc bị ảnh hưởng bởi chứng bạc lông tóc.