Kể từ khi Thông tư 20 của Bộ Công thương ra đời, những tác động của Thông tư này đến ngành ô tô là khá rõ nét. Tuy nhiên, tác động tích cực thì ít, ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho biết, vì Thông tư 20, số doanh nghiệp trong ngành phải làm ăn cầm chừng, đứng bên bờ vực phá sản không phải con số nhỏ. Giữ hay bỏ Thông tư 20 vẫn đang là câu hỏi khó.
Thông tư 20 khiến thị trường ô tô bị xáo trộn.
An toàn hơn nhờ Thông tư 20?
Nhiều DN ngành ô tô bức xúc cho rằng, Thông tư 20 đang trở thành rào cản, ngáng chân DN, tạo thế độc quyền cho một số DN lớn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản đề xuất lên Chính phủ nên loại bỏ Thông tư 20.
Trong khi đó, một số DN, nhà sản xuất ô tô lớn lại cho rằng, từ khi có Thông tư 20, thị trường xe ô tô ở Việt Nam đi vào quy củ hơn, quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn khi họ được mua xe chính hãng và không lo bị ép giá. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Audi Hà Nội, nếu có thông tư 20, giá xe sẽ rất rõ ràng, tất cả sẽ được niêm yết. Khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và có hoá đơn rất đầy đủ.
Doanh nghiệp mua xe về cũng sẽ dễ dàng khấu trừ thuế hơn. “Khi không được mua xe chính hãng, người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt hại. Dù họ phải bỏ ra số tiền tương đương, nhưng nếu sau này họ phải làm các thủ tục bảo hiểm, hoặc bị truy thu thuế thì sao?” – ông Dũng đặt câu hỏi.
Hơn nữa, theo ông Dũng, các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền. Do đó, người tiêu dùng có thể được bảo hành chính hãng ở các tỉnh thành trên cả nước.
Nên chấm dứt!
Còn theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài, trong các hội nghị gần đây, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, cần tạo hành lang đủ rộng cho doanh nghiệp hoạt động. Ở Việt Nam, cần quan tâm tới các loại lợi ích, chứ không tập trung cho một lợi ích nào cả.Chính bởi vậy, GS Nguyễn Mại bày tỏ sự không đồng thuận khi Thông tư 20 đang có nhiều yếu tố cho thấy, đang đứng về phía lợi ích của một bộ phận DN. Theo GS Mại, từ khi có thông tư 20 đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu không hề giảm (như mục tiêu của Thông tư). “Nhờ thông tư này, chất lượng xe có tăng không? Thực tế là không” – GS Mại nhấn mạnh và khẳng định: “Nếu hội nhập mà chỉ chú ý đến lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp thì đó là sai lầm nghiêm trọng. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải chú ý đến lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân. Do đó, tôi cho rằng không nên nâng Thông tư 20 thành một nghị định, mà đúng ra là nên để cho thông tư này hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 vừa qua”.
Cũng bày tỏ sự chưa thuyết phục của Thông tư 20 đối với thị trường ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Đông Phong - Phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, Thông tư 20 ra đời trong bối cảnh để đảm bảo sự vận hành của thị trường ô tô, bên cạnh yêu cầu giảm nhập siêu. Tuy nhiên, nhìn số liệu nhập khẩu, sau khi Thông tư 20 ra đời năm 2011, nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm trong 2 năm song sau đó, tăng nhẹ trở lại trong năm 2014 và đến năm 2015 thì nhập khẩu lại tăng đột biến.
Theo ông Phong, Thông tư 20 có một số quy định có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nhập khẩu xe, mà cụ thể là việc ủy quyền chính hãng. “Những người thực hiện mà được cấp ủy quyền thì được thuận lợi, có ưu thế về mặt kỹ thuật. Nhưng có một điều cần xem xét là nó làm hạn chế hoạt động kinh doanh của DN vừa và nhỏ, điều này hạn chế chủ trương rất lớn của Chính phủ là tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển” - ông Phong nhấn mạnh và thẳng thắn: Ủy quyền hay độc quyền, tôi không bàn đến câu chữ. Nhưng việc ủy quyền chính là gián tiếp cho việc độc quyền. Tôi không bình luận đó là điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính vì bản chất nó vẫn là điều kiện. Nhưng mình giao cuộc chơi rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài thì không nên. Họ sẽ vì cái lợi của họ, mà cái lợi đó có thể không đồng nhất với lợi ích quốc gia.