Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, từ đầu năm tới nay các nhà cung cấp nước ngoài (Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple…) đã nộp gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng kê khai đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một Cổng thông tin điện tử (TTĐT) trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Kết quả này đạt được là nhờ sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước…
Ông Minh cho biết, sau hơn 6 tháng triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (từ ngày 21/3/2022) đến nay đã có 36 nhà cung cấp đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng. Trong 36 doanh nghiệp có các tập đoàn lớn thực hiện kê khai thuế gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp thông qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được 500 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, các nhà cung cấp nước ngoài đã đóng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng tiền thuế.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, các nhà cung cấp nước ngoài lớn (gồm: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple) đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế. Điều này cũng cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện nay đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, về cơ sở pháp lý để quản lý thuế đã có tương đối đầy đủ như: Luật quản lý thuế, Nghị định 126 hướng dẫn về Luật quản lý thuế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, để không bị thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và vai trò của Ngân hàng nhà nước.
“Khi Cổng E-Tax bắt đầu hoạt động từ ngày 21/3 chúng tôi thường xuyên trao đổi các thông tin với các đơn vị của Tổng cục Thuế để nắm bắt xem hiện nay các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới đã nộp thuế như thế nào” – bà Huyền nói.
Theo đánh giá chung việc thu thuế trên nền tảng số cần làm rõ ở một số vấn đề: Thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế làm mất nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt bất bình đẳng giữa những người kinh doanh ở những lĩnh vực khác nộp thuế đầy đủ còn kinh doanh thông qua mạng, nền tảng số lại trốn thuế.