Cho dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhưng tới nay bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả. Nhiều chuyên gia nhận định, phải thu gọn đầu mối, giảm các cơ quan trung gian qua đó giảm biên chế một cách hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Bài học thu gọn đầu mối của Hà Nội
“Sở dĩ tinh giản biên chế vẫn là con số âm là bởi chúng ta chưa tìm ra địa chỉ cụ thể để giảm” - nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Quốc Cường nói. Giảm biên chế, chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào đánh giá công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng là phải rà soát lại toàn bộ hệ thống, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua rà soát sẽ tìm được những cơ quan trung gian thực sự cần phải giảm để tránh sự cồng kềnh, chồng chéo. Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị theo hướng này, qua đó, rất nhiều biên chế sẽ được tinh giản thông qua công cuộc rà soát này - ông Cường nói.
Cụ thể, năm 2016, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban; giảm 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở; giảm 27 Ban quản lý dự án; giảm 2 Quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban quản lý dự án và Quỹ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội vẫn đang tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Để tinh giản biên chế hiệu quả, ông Lê Quốc Cường đề nghị cần căn cứ vào đề án vị trí việc làm của từng đơn vị cụ thể và phải làm công khai minh bạch. Tinh ai, giản ai là cả vấn đề lớn, phải rõ tiêu chí tránh hệ lụy về sau.
Ông Cường cũng cho biết thêm, “điều đáng mừng là tới giờ phút này, việc tinh giản biên chế trên địa bàn Thành phố là 488 người nhưng chưa nhận được một đơn, thư nào phản ánh về việc ép nghỉ hoặc các vấn đề khác”.
Không thể giảm đầu mối lại tăng cục, vụ
Thực hiện Nghị Quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, 2 năm qua việc quản lý Bộ, ngành chủ yếu theo đầu mối, phân cấp mà chưa chú ý thu gọn các cục, vụ, dẫn đến việc giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng số cục, vụ.
Ông Lê Mạnh Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, chúng ta gọn đầu mối các bộ nhưng tổng cục, cục nhiều hơn có nghĩa là các địa phương, nhân dân vẫn bị phiền hà bởi các bộ trong bộ này.
Việc đó cũng đồng nghĩa giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng lên rất nhiều, không kiểm soát được, không có cơ quan nào giám sát, chỉ có cấp bộ giám sát tổng cục, cục. Do đó, thời gian tới phải có giải pháp rất triệt để hạn chế việc tăng lên, thậm chí phải giảm xuống.
Nhận thức được tính bức xúc của tình trạng tăng các cơ quan trung gian tại các bộ, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của một số bộ, ngành.
Chẳng hạn Bộ Công thương sẽ giảm từ 35 đơn vị, đầu mối trực thuộc xuống còn 30. Hay như Bộ Nội vụ cũng đã giảm 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và tới đây cũng sẽ giải thể thêm 3 trường nữa để tinh gọn bộ máy. Rõ ràng, để tinh gọn bộ máy, sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương mang tính quyết định.
Theo TS Đinh Duy Hòa - chuyên gia Bộ Nội vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua còn nhiều hạn chế vì chưa được thực hiện trên nền tảng khoa học, chưa có tầm nhìn dài hơi, gặp đâu làm đó, tùy theo cảm hứng người đứng đầu dẫn đến hay thay đổi.
Các điều kiện đảm bảo cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhất là chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế.
Do vậy, vấn đề quan trọng thời gian tới là quản lý và kiểm soát được cơ cấu bên trong các đơn vị bằng pháp luật. Cần có một Nghị định quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập các vụ, cục, tổng cục để tránh tình trạng “nâng cấp” như vừa qua.
“Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng một Nghị định về phòng, vụ, cục, tổng cục. Những đơn vị tổ chức hành chính này được quy định theo hướng thống nhất, có tiêu chí cụ thể. Các quy định như vậy đưa vào trong văn bản và văn bản này báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành, thống nhất trong bộ máy hành chính”.
“Tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm đang là một yêu cầu rất cấp thiết và không thể không làm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước”- ông Đinh Duy Hòa nhấn mạnh.