Thu hồi đất làm dự án thép ‘khủng’ ở Nam Định: Người dân kiến nghị nhiều nội dung

Duy Hưng 19/04/2023 18:58

Trong khi người dân lo ngại mất sinh kế sau khi đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi, lo ngại môi trường bị ảnh hưởng, đại diện chính quyền tỉnh Nam Định khẳng định thu hút các dự án lớn là chủ trương đúng đắn của tỉnh.

Văn bản Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định.

Ngày 19/4, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng tại buổi chủ trì tiếp, đối thoại với đại diện công dân khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tổ chức mới đây, nhằm xem xét, trả lời kiến nghị, đề nghị về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện.

“Đề nghị tiếp tục được ký hợp đồng thuê đất để nuôi trồng thủy sản”

Theo văn bản, tại buổi đối thoại, Chánh Thanh tra tỉnh Đinh Ngọc Văn đã báo cáo rà soát, tổng hợp theo đơn công dân gửi UBND tỉnh, gồm 10 nội dung.

Trong đó, về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất khu vực Cồn Xanh, người dân khu vực này cho rằng nguồn gốc đất có các dạng đất do UBND huyện cấp theo dạng trang trại; đất cho thuê thông qua đấu thầu; đất có nguồn gốc khai hoang, cải tạo. Từ đó công dân địa phương cho rằng “nói là đất tạm giao quản lý cho các xã là không đúng”; thêm rằng “việc các hộ dân bỏ nhiều công sức, tiền của (kể cả sau khi đã có đê), có cả khoản đóng góp 5 triệu đồng/ha do UBND huyện thu năm 2013 để đắp bờ đầm, đã hạch toán vào ngân sách chưa?”

Đồng thời đặt vấn đề: “Việc thay đổi quy hoạch phát triển thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có dựa trên báo cáo đánh giá về kinh tế của vùng nuôi trồng thuỷ sản? Số liệu báo cáo thống kê có chính xác, có minh bạch không? Hoạt động nuôi trồng thủy sản tạo việc làm cho nhiều người dân, ổn định, có thu nhập, việc đánh giá hoạt động nuôi trồng thủy sản là manh mún, không hiệu quả, không tập trung là không đúng. Từ đó, người dân “đề nghị tiếp tục được ký hợp đồng thuê đất để nuôi trồng thủy sản”

Công dân địa phương cũng cho rằng “việc UBND tỉnh Nam Định thu hồi đất nhưng không có chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân là không đúng, do người dân đã bỏ nhiều tiền của, tài sản ra đầu tư về cơ sở hạ tầng để nuôi trồng; UBND huyện chưa thực hiện lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trước khi ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường”.

Những người dân đang nuôi trồng thủy sản nay đất nuôi bị thu hồi cũng có ý kiến về việc “chưa có phương án giải quyết việc làm cho người dân sau khi thu hồi đất. Bà con nuôi trồng thủy sản khó tiếp cận với việc làm, việc đào tạo lao động là không khả thi. Từ đó, “đề nghị quan tâm đến sinh kế của nhân dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân; có phương án thích hợp để giao, cho thuê đất mặt nước khu vực biển nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân”.

Trong số các nội dung thắc mắc, kiến nghị, người dân khu vực Cồn Xanh nhìn nhận “việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường”, đặt câu hỏi “tại sao nhà máy hoạt động theo tiêu chuẩn Châu Âu nhưng các tiêu chuẩn về an toàn lại theo tiêu chuẩn của Việt Nam”.

Đồng thời nêu câu hỏi: “Tại sao cùng một khu nuôi trồng nhưng lại có các loại hợp đồng có thời hạn 1 năm và 2 năm, thời hạn thanh lý các hợp đồng không giống nhau?”.

Trong các phản ánh, kiến nghị, các hộ dân cho rằng dự án Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (rộng hơn 500 ha, cùng nằm ở khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, gần khu vực triển khai Tổ hợp dự án thép của Tập đoàn Xuân Thiện - PV) gây lãng phí (liên hệ tới việc Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp - PV).

Những người kiến nghị cũng đặt vấn đề: “Việc triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đã thực hiện công bố thông tin khảo sát xã hội, phê duyệt đề xuất đầu tư dự án?”

Ở nhóm nội dung kiến nghị thứ 9, người dân địa phương phản ánh “ngày 15/2/2011, UBND huyện Nghĩa Hưng ra Thông báo số 601 cho Trung tâm Thủy lợi môi trường ven biển và hải đảo thuộc Viện nước tiêu và môi trường vào thả thử nghiệm hàu Thái Bình Dương, kết quả là hàu chết hàng nghìn tấn trên sông, gây ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản; công dân đã có đơn tố cáo đến các cơ quan của tỉnh, Chính phủ đều hướng dẫn trả lời về huyện để giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có ai trả lời”. Từ đó, người dân đặt vấn đề “trách nhiệm này thuộc về ai?”.

Ở nội dung thứ 10, người dân đặt các vấn đề xung quanh việc lấy ý kiến tham vấn của nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện.

Người dân nêu những phản ánh, kiến nghị, đề xuất tại cuộc đối thoại.

Tại cuộc đối thoại, 10 nhóm nội dung phản ánh, đề xuất, kiến nghị của người dân đã được các ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng; Vũ Văn Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng; Phạm Văn Sơn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trần Duy Tùng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Lưu Văn Dương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trao đổi, trả lời theo chức năng, thẩm quyền.

“Chủ trương đúng đắn”

Trên cơ sở các nội dung kiến nghị của người dân, các ý kiến trả lời của đại diện chính quyền huyện Nghĩa Hưng và các ngành chức năng của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng kết luận 4 nhóm nội dung.

Trong đó, ông Trần Anh Dũng nhìn nhận việc tỉnh Nam Định thu hút các dự án lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư vào 4 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng. “Đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh; phù hợp với mong muốn của nhân dân trong tỉnh. Các dự án này được đầu tư theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định khẳng định.

Thêm rằng: “Việc triển khai 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại 4 xã của huyện Nghĩa Hưng đã được Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng, các sở, ngành, UBND tỉnh triển khai, đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật, trong đó có việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

“UBND tỉnh mong muốn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là các hộ dân đang có kiến nghị, đề nghị, phản ánh) ủng hộ chủ trương của tỉnh, để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định nói chung, huyện Nghĩa Hưng nói riêng, trong đó có khu vực Cồn Xanh”.

Về 10 nội dung kiến nghị, đề nghị mà công dân có đơn và các ý kiến tại buổi tiếp cũng như các ý kiến trao đổi, trả lời, ông Trần Anh Dũng kết luận: “Căn cứ vào hồ sơ đất đai của các hộ dân thuê đất tại khu vực Cồn Xanh, các ý kiến trả lời của các đơn vị là phù hợp với quy định của pháp luật”.

Đối với những nội dung kiến nghị, đề nghị khác tại buổi tiếp và đối thoại (trong đó có kiến nghị về việc làm, thu nhập của các hộ dân sau khi bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, đây là nguyện vọng chính đáng của công dân), văn bản dẫn ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, rằng: “UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu, đề nghị các hộ dân có đơn ghi đầy đủ các nội dung kiến nghị, đề nghị và gửi về Thanh tra tỉnh trong tháng 4/2023 để tổng hợp”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng trao đổi với người dân tại cuộc đối thoại.

Trong kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định giao Thanh tra tỉnh tổng hợp, làm việc với công dân (nếu cần), tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan có liên quan xem xét, trả lời theo quy định.

Tổ hợp dự án thép vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ

Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, thời gian qua chính quyền các cấp ở tỉnh Nam Định đã và đang triển khai quy trình đầu tư Tổ hợp thép xanh tại địa bàn 4 xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng (Khu vực Cồn Xanh), do nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 100.000 tỷ đồng, gồm: dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97ha, tổng vốn đầu tư, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.

Mô hình dự án thép của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Để triển khai dự án, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 431 ha đất tại khu vực Cồn Xanh. Theo chính quyền tỉnh Nam Định, diện tích đất trên là đất công, do chính quyền cấp xã quản lý và cho các hộ dân thuê để nuôi trồng thủy sản, đất được thu hồi khi đã hết hạn hợp đồng cho thuê.

Vào ngày 14/11/2022, dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định-1 trong 3 dự án thuộc Dự án Tổ hợp thép xanh đã được nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện khởi công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi đất làm dự án thép ‘khủng’ ở Nam Định: Người dân kiến nghị nhiều nội dung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO