Thu hồi dự án treo

Minh Thủy 12/04/2023 07:14

Hơn 10 ngày qua, người dân sinh sống tại khu Mả Lạng, quận 1, TP Hồ Chí Minh vui mừng trước thông tin chính quyền thành phố thu hồi dự án sau 16 năm “treo”. Nhưng cũng ở TPHCM, tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) người dân lại chưa thể vui vì dự án được UBND thành phố phê duyệt từ năm 1992, tổng diện tích rộng hơn 426ha, nhưng đến nay vẫn “treo”.

Ai đã từng tới những dự án treo thì đều có cảm giác ái ngại. Nhà cửa của người dân xuống cấp, xập xệ không được chỉnh trang do ai cũng cảm thấy không yên ổn vì không biết lúc nào thì dời đi. Nói ngay như khu Mả Lạng vướng dự án tới 16 năm. Khu này có diện tích khoảng 6,8ha với hơn 1.400 hộ dân. Người dân ở đây cho biết, khi có thông tin thu hồi dự án thì ai cũng mừng. Mừng cho thế hệ sau này được an cư, không phải sống trong những ngôi nhà xập xệ, dù vẫn “mang tiếng” là dân quận 1.

Thấu hiểu tình cảnh người dân trong khu vực các dự án treo nhiều năm, gần đây UBND TP Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác đã có những động thái xử lý quyết liệt hơn. Thực trạng các dự án treo là rất nhức nhối. Dân khổ, lãng phí nguồn lực đất đai và còn phát sinh những hệ lụy xấu, trở thành rào cản và điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Tại TPHCM, cách đây khoảng 9 năm, khi trao giấy chứng nhận đầu tư thành lập khu công nghệ hạ tầng Saigon Silicon City trong Khu Công nghệ cao của thành phố (SHTP), người ta từng đặt rất nhiều kỳ vọng dự án sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư chất lượng, công nghệ mới, công nghệ nguồn. Nhất là khi đó chủ đầu tư cam kết sẽ phát triển dự án trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Dự án từng được kỳ vọng thu hút đến 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon (Mỹ) về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Nhưng mãi đến năm 2019, khu đất có diện tích 52ha của dự án này chỉ có tòa nhà điều hành cùng công trình phụ trợ chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, rất phấn khởi khi vào trung tuần tháng 2/2023, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chính thức yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất với dự án khu công nghệ hạ tầng Saigon Silicon City ngay trong năm nay.

Hà Nội, TPHCM nhiều năm qua đã phải chắt chiu từng diện tích đất cho sản xuất công nghiệp, “đỏ mắt” tìm kiếm đất để xây nhà ở xã hội, xây nhà giá rẻ cho công nhân lao động. Quỹ đất ngày càng teo lại nhưng thật nghịch lý là vẫn còn đó những dự án treo chiếm rất nhiều đất nhưng lại để không, dãi nắng dầm mưa cả chục năm. Hà Nội là địa phương có đến khoảng 700 dự án, tổng diện tích đất được cấp hơn 5.000 héc ta chậm triển khai.

Ngày 4/4, phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Ông Thanh cho biết, UBND thành phố sẽ hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hàng năm. Với các dự án đầy đủ thủ tục thì cho triển khai ngay theo phân kỳ và từng bước.

“Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai. Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân” - ông Thanh nói.

Chủ dự án “ôm” đất nhưng không triển khai dự án dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực, gây bức xúc xã hội. Việc chậm thu hồi đất dự án treo trên thực tế là rất ỳ ạch, không nghiêm. Nguyên nhân một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; quản lý lỏng lẻo khiến thị trường bất động sản méo mó.

Luật Đất đai 2013 quy định dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất. Còn Luật Đầu tư quy định sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu dự án chậm lỗi do chính quyền thì phải đền bù thỏa đáng thiệt hại cho người dân cũng như chi phí cơ hội cho chủ đầu tư. Cần chỉ rõ, quy trách nhiệm cá nhân người phê duyệt hay có trách nhiệm dỡ bỏ dự án, không quy trách nhiệm một cách chung chung. Còn nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư năng lực yếu kém, cố tình chây ỳ thì xử phạt thật nặng, đền bù cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi dự án treo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO