Thời gian qua, hàng loạt quan chức, cựu quan chức cấp cao đã vướng vòng lao lý do những sai phạm liên quan đến đất đai.
Trong đó có thể kể đến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đã bị tuyên phạt 11 năm tù); 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng (Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến) lần lượt lĩnh các mức án 17 năm tù và 9 năm tù; 2 cựu Phó Chủ tịch TP HCM; nhiều quan chức, cựu quan chức hàng đầu tỉnh Bình Dương... cũng đang đối diện với những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Thất thoát lớn
Bắt tay với “doanh nghiệp sân sau” để trục lợi từ đất đai đã khiến nhiều cán bộ có chức có quyền sa vòng lao lý. Thật đáng buồn là trong số đó có những cán bộ kì cựu, đã đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng, có thâm niên cống hiến lâu năm trong bộ máy nhà nước. Nhiều vụ án, con số thất thoát lên đến hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. “Đất vàng” của Nhà nước vô hình trung trở thành một phần tài sản đánh đổi trong mớ quan hệ chằng chịt.
Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu sớm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai. Trung tần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ sửa đổi Luật Đất đai 2013. Theo đó, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội khóa XV.
Đó là những nỗ lực rất cần thiết để bịt “lỗ hổng” của luật, ngăn chặn những hành động vi phạm nhằm trục lợi trong lĩnh vực đất đai.
Tuy nhiên, một vấn đề rất được dư luận quan tâm là cùng với việc đưa ra xét xử những tập thể, cá nhân vi phạm thì cần phải kiên quyết thu hồi tài sản thất thoát khi “đất vàng” bị xâm phạm.
Tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều năm qua các khu đất công có vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã kết luận cụ thể về các sai phạm quản lý đất công ở tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ từ năm 2010 đến 2018. Nhiều tập thể, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách hết chức vụ. Nhiều vụ việc được Bộ Công an chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra.
Kiên quyết thu hồi tài sản bị chiếm đoạt
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thì việc khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam một số bị can vi phạm đất đai được dư luận đồng tình, nhưng việc quan trọng còn lại là làm thế nào để thu hồi giá trị chênh lệch trong khi giao đất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định “chúng tôi sẽ kiên quyết và sẽ làm được”.
Tương tự, tại Đà Nẵng và TP HCM, việc thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát do những hành vi sai trái của một số cán bộ cũng không dễ dàng. Được biết, các cơ quan Thi hành án dân sự đã và đang tập trung xử lý tài sản, giải quyết thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện, nhất là tại các địa bàn có số tài sản có giá trị lớn như: Cục Thi hành án dân sự TP HCM phối hợp với các cơ quan tiến hành giao cho UBND TP HCM 2 tài sản trên địa bàn là nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1; giao Bộ Công an tài sản là nhà đất tại số 129 Pasteur, phường 6, quận 3, trong vụ Phan Văn Anh Vũ với giá trị ước đạt 4.500 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức giao tài sản là khu đất tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trong vụ Phan Văn Anh Vũ cho UBND thành phố Đà Nẵng, với giá trị ước đạt 300 tỷ đồng; tổ chức bán đấu giá khu đất 209 đường Trường Chinh, thành phố Đà Nẵng với giá trị ước đạt gần 800 tỷ đồng. Vụ Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) cũng phải thi hành án tới hơn 7.500 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, số tiền bị chiếm đoạt trong lĩnh vực đất đai là rất lớn. Không thể chỉ trừng trị những đối tượng phạm pháp mà rất quan trọng là phải thu hồi được tài sản cho nhà nước. Không để số tài sản rất lớn đó bị tẩu tán. Phải thu hồi bằng được, cũng là để chặt đứt mục đích của tham nhũng.
Liên quan đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Vụ nghiệp vụ II - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan Thi hành án dân sự đã đẩy mạnh việc xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Nhờ đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, kết quả thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực, hàng năm thu hồi hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã thu được gần 1.996 tỷ đồng.