Ngành Giao thông TP Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng đề án “Nghiên cứu thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành” nhằm hạn chế lượng xe máy “quá đát”, thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Một giải pháp để thực hiện đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị với TP HCM trong văn bản vừa ban hành vào đầu tuần này là triển khai thu hồi trên diện rộng xe máy cũ kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông e ngại trước tính khả thi của phương án này vì thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định cụ thể và ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tính đến tháng 11/2020, TP HCM có gần 7,5 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành, chiếm 95% trên tổng số lượng các loại phương tiện tham gia giao thông. Những xe này chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra đến gần 60% khí thải trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới trên địa bàn Thành phố. Trong đó, khoảng 1/2 số lượng xe máy là xe đã sử dụng lâu năm; nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông, không đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật và là nguy cơ lớn gây ra tai nạn giao thông.
Theo ông Phương, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết; tuy nhiên, để thực hiện theo hướng thu hồi xe máy cũ nát lại có rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô khách và ô tô tải, trong đó ô tô khách là 20 năm, ô tô tải 25 năm. Các loại ô tô khác hay mô tô, xe gắn máy chưa có quy định về niên hạn sử dụng.
Ngoài ra, với ô tô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ, tuy nhiên với xe máy lại chưa có nên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc. Thậm chí, khái niệm “xe cũ nát” cũng không tồn tại chính thức trong các bộ luật liên quan. Muốn đánh giá tình trạng một chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và không đảm bảo an toàn phải thông qua cơ quan kiểm định uy tín là Cục Đăng kiểm thực hiện, chứ không thể vì xe quá niên hạn đánh giá ngay là “xe cũ nát”, không an toàn.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM), ngay cả với ô tô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan Công an thu hồi giấy đăng ký, biển số và cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Chủ xe có quyền giữ xe để trưng bày làm lưu niệm hoặc bán sắt vụn chứ cơ quan chức năng không thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân, tổ chức.
Với xe máy, theo góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Ngoài ra, muốn thu hồi xe máy cũ trước hết cần đặt ra tiêu chí về khí thải ra môi trường và tiêu chí an toàn khi lưu thông; khi có tiêu chí, cần có cơ quan chuyên môn kiểm định. Những điều này vẫn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành nên việc thu hồi xe máy cũ trên diện rộng như Bộ đề nghị là rất khó khăn.
Theo Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP HCM, do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thu hồi tài sản người dân, Nhà nước phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có thể dựa trên quy định xe không đủ điều kiện an toàn, không được phép lưu thông. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo.
Trong khi đó, Thạc sỹ Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, không nên đặt vấn đề thu hồi dựa trên niên hạn xe mà chỉ cần bổ sung quy định để quản lý thông qua kiểm kê khí thải và yêu cầu kỹ thuật, nếu xe đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, dù sử dụng bao nhiêu năm vẫn được dùng.
Bên cạnh quy định về kiểm định khí thải bắt buộc với xe máy, ông Phúc cho rằng, Nhà nước và các nhà sản xuất xe nên có chính sách, phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới để xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ như thu cũ đổi mới, mua xe trả góp, hỗ trợ lãi suất… Người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, ngành Giao thông Thành phố đang hướng đến quản lý xe máy dựa trên việc kiểm soát khí thải thay vì chỉ thu hồi dựa trên niên hạn sử dụng. Về mặt kỹ thuật, làm được việc này không khó, chỉ cần trang bị một máy đo khí thải và phần mềm kết nối dữ liệu để tổng hợp. Nếu được chuẩn bị tốt, mỗi xe máy thường chỉ mất từ 3-5 phút để hoàn tất việc kiểm tra.