Giới chuyên gia nhận định, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tích cực, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Điều đáng nói, cơ hội ở phía trước vẫn còn rất lớn.
Đón các dự án khủng
Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, nhiều hoạt động đầu tư đã được hiện thực hóa. Theo đó, Công ty Amkor Technology có trụ sở tại Arizona sẽ khởi công nhà nhiều máy tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Tổng đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ USD. Hay như công ty Marvell có trụ sở tại California công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TPHCM. Marvell là một trong những tập đoàn dẫn đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn.
Có thể thấy, trong thời gian từ giữa tháng 9 đến nay, dòng vốn FDI liên tiếp đổ vào. Chẳng hạn, ngày 29/9 vừa qua, 2 doanh nghiệp (DN) châu Âu Louis Dreyfus Company (LDC) và Instanta Sp. z o.o. (Instanta) chính thức khánh thành nhà máy ILD Coffee Việt Nam, với công suất 5.600 tấn cà phê hòa tan sấy lạnh hàng năm được đặt tại tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo của Công ty LG Display cho biết, năm 2023 này công ty sẽ đưa nhà máy H3 vào hoạt động chính thức, sản xuất các sản phẩm IT công nghệ cao, qua đó tạo ra nhiều giá trị thương mại cũng như giải quyết nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương và lao động tại các tỉnh phía bắc Việt Nam. Với sự kiện tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vừa qua, LG Innotek đầu tư hơn 2 tỷ USD tại Hải Phòng, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về tổng số vốn đầu tư tại Hải Phòng. Tính ra trong 9 tháng đầu năm 2023, Bình Dương đã thu hút khoảng 1,3 tỷ USD, gồm 84 dự án mới, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn và 95 dự án góp vốn mua cổ phần.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới… Xu hướng dịch chuyển đầu tư của hàng loạt “ông lớn” như Samsung, LG, Intel, Foxconn, Goertek, Pegatron… cho thấy, nếu biết tận dụng cơ hội và có chính sách cạnh tranh quốc tế, Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nữa các dự án tỷ USD.
Trong chuyến công tác Hoa Kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp hàng loạt tập đoàn lớn, như Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers. Các tập đoàn này đều cho biết mối quan tâm lớn đến điểm đến đầu tư Việt Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần.
Nhiều triển vọng
Theo ông Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Việt Nam là nước có nhiều triển vọng và lợi thế trong cạnh tranh thu hút FDI với những yếu tố nền tảng như: Sự ổn định chính trị, vị trí địa lí và cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có mức tăng trưởng cao; có quy mô dân số tăng nhanh và đội ngũ nhân lực đang được cải thiện về chất lượng.
Ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, môi trường kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được cải thiện với hơn 17 hiệp định thương mại tự do đã được kí kết, bao gồm cả với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang bùng nổ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài.
Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam Troy Griffiths cho rằng, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đang cho thấy nhiều cơ hội hứa hẹn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những cải thiện về phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm sáng tạo tại Việt Nam cũng đang góp phần giúp thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect cũng cho biết, nhiều DN FDI đang lên kế hoạch đầu tư các dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi các DN này kỳ vọng về sự phục hồi của các thị trường nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát và giảm tồn kho. Đây cũng là các động lực chính thúc đẩy sự cải thiện đáng kể của vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong hai tháng gần đây.
Để tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI rót mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới, giới chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này bao gồm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu.