Kinh tế

Thu hút kiều hối cho phát triển đất nước

H.Vũ 23/01/2025 08:47

Năm 2024 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao kỷ lục, ước đạt 16 tỷ USD. Vậy làm sao tiếp tục thu hút kiều hối, các nguồn lực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

3.jpg
Một tiết mục văn nghệ của bà con kiều bào trong chương trình Xuân Quê hương 2025. Ảnh: Nhật Bắc.

Theo số liệu thống kê, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2024 ước đạt 16 tỷ USD, tương đương với năm 2023 là năm tăng trưởng kỷ lục của lượng kiều hối. Trong đó, hơn 9,5 tỷ USD chuyển về TPHCM. Thời gian qua chính nhờ các chính sách cởi mở đã giúp Việt Nam thu hút ngày càng nhiều kiều hối chảy vào nền kinh tế và luôn nằm trong Top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới nhiều năm qua.

Kiều hối chủ yếu đến từ hai nguồn, gồm kiều bào gửi hỗ trợ thân nhân trong nước và lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về đầu tư, tiết kiệm. Những năm gần đây các ngân hàng đã phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, tạo thuận lợi cho khách hàng chuyển và nhận tiền quốc tế nhanh chóng, an toàn, tiện ích. Qua đó thu hút và tạo điều kiện để lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng. Nguồn tiền này đã và đang đi vào các lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư, kinh doanh, giúp người dân cải thiện đời sống, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội.

Kiều hối tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian qua cho thấy sự tin tưởng của người Việt Nam ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với đó là cơ chế, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu hút kiều hối. Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới rất cần những nguồn lực để phát triển đất nước, vậy chính sách nào để thúc đẩy kiều hối là vấn đề đang được đặt ra.

Vừa qua khi gặp mặt kiều bào tiêu biểu về dự Xuân Quê hương năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang sinh sống tại trên 130 quốc gia với 6 triệu người Việt là sức mạnh, là cầu nối giữa các nước đối với Việt Nam và đây là lực lượng quan trọng không thể tách rời đối với đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn trong đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng bà con tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư về nước, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển nhanh, bền vững. Quốc hội cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động này.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng, Nghị quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần khơi thông nguồn lực của kiều bào, khuyến khích bà con tích cực đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nổi bật. Đặc biệt từ năm 2020 thì lượng kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, có hàng nghìn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho hay, để khai thác nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp cho đất nước, hiện nay Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã kêu gọi và đưa về hàng trăm dự án đầu tư tại các địa phương và đang xúc tiến tổ chức, thu hút các cá nhân nước ngoài tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút kiều hối đầu tư các dự án và phát triển kinh tế. Nhất là hiện nay các ngân hàng cũng đang tích cực đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn cho việc gửi và nhận kiều hối, đặc biệt trong dịp cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm mùa kiều hối sôi động nhất năm. Song để hút kiều hối mạnh hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Nguyễn Trí Hiếu - kiều bào Mỹ đề xuất, bên cạnh các giải pháp đang thực hiện kêu gọi kiều hối qua bà con ở nước ngoài, các quan hệ gia đình, hệ thống các lãnh sứ quán trên toàn thế giới thì cần có chính sách phát hành trái phiếu cho kiều bào. Từ trước đến nay chúng ta kêu gọi kiều hối thì bà con gửi tiền về trong nước với tư cách cá nhân, hoặc một số doanh nghiệp gửi tiền về nước để đầu tư nhưng ở tầm quốc gia thì lại chưa có. Do đó, Chính phủ nên xem xét phát hành trái phiếu Chính phủ cho kiều bào. “Việc phát hành trái phiếu là cách có thể tăng thu hút kiều hối một cách có hệ thống” - ông Hiếu nói.

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu quan điểm rằng, cần nhiều yếu tố để thu hút kiều hối. Theo đó tại trong nước, kinh tế - xã hội phải phát triển ổn định, có nhiều dự án hiệu quả và có khả năng sinh lời. Đặc biệt, thể chế phải thông thoáng. “Bao giờ khi nghĩ gửi tiền về nước đầu tư là trong họ đã có tinh thần yêu nước. Thế giới bao la họ có thể đầu tư ở bất cứ chỗ nào có thể sinh lời nhưng vì lòng yêu nước nên họ đầu tư về nước để đóng góp cho quê hương. Vì thế chính sách đầu tư phải thông thoáng, các dự án kêu gọi đầu tư cũng phải có sự chọn lọc để kích thích họ đầu tư về nước nhiều hơn” - ông Kiêm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút kiều hối cho phát triển đất nước