Quốc hội

Thử nghiệm, tích hợp trợ lý ảo AI để hỗ trợ đại biểu tra cứu thông tin tại Kỳ họp thứ 9

Việt Thắng 28/04/2025 20:13

Ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước).

tung28-4.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Đồng thời, ông Tùng cho hay, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều ngày 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 5/5/2025 - 29/5/2025. Đợt 2: từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025.

Về quy trình xem xét, thông qua các luật, nghị quyết

Căn cứ quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 72 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15, tại Kỳ họp này, quy trình xem xét, thông qua đối với các dự án luật, nghị quyết sẽ có điểm khác biệt so với các kỳ họp trước.

Cụ thể, có 22 dự án luật, nghị quyết đã có trong Chương trình lập pháp năm 2025 trước ngày 19/2/2025, bao gồm cả các dự án đã có trong Chương trình trước ngày 19/2/2025 nhưng sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh chương trình lập pháp và chuyển từ xem xét, thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp sang xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH và quy trình xem xét, thông qua thể hiện trong Chương trình kỳ họp sẽ áp dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14.

Bên cạnh đó, có 27 dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025 sau ngày 19/2/2025 hoặc mới được các cơ quan đề nghị bổ sung gần đây thì trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH và quy trình xem xét, thông qua thể hiện trong Chương trình kỳ họp sẽ áp dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15.

Rút ngắn thời gian trình bày báo cáo

Về việc bố trí thời gian xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua, theo ông Tùng sẽ ưu tiên bố trí thời gian Quốc hội xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua cùng một thời điểm đối với các nội dung có liên quan trực tiếp với nhau. Tiếp tục bố trí thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra trong Chương trình kỳ họp để đại biểu Quốc hội nghe trực tiếp các cơ quan thuyết trình về dự án, dự thảo, báo cáo nhưng rút ngắn thời gian trình bày để bảo đảm ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, tập trung vào các nội dung trọng tâm của dự án, dự thảo, báo cáo; bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Do Kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp lớn, trong đó, rất nhiều luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đề nghị: Ưu tiên bố trí thảo luận ngay tại đợt 1 đối với phần lớn các dự án luật trình Quốc hội thông qua để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội biểu quyết tại đợt 2 của Kỳ họp. Chỉ một số ít dự án luật có số lượng nội dung không nhiều và hầu hết các dự thảo nghị quyết thì bố trí Quốc hội xem xét, thảo luận vào đầu đợt 2 và thông qua vào cuối đợt 2 của Kỳ họp.

Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 thì bố trí thảo luận vào cuối đợt 2 của Kỳ họp. Theo đó, thời gian từ khi thảo luận ở Tổ đến thảo luận ở Hội trường đối với các nội dung này khoảng từ 2 đến 3,5 ngày. Đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý để chuẩn bị báo cáo giải trình ý kiến thảo luận ở Tổ để gửi đến ĐBQH trước khi tiến hành phiên thảo luận ở Hội trường theo quy định.

“Đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ Kỳ họp”, ông Tùng khẳng định.

Điểm nhấn được ông Tùng nhắc đến là sẽ chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, cải tiến, bổ sung nhiều tính năng mới cho App Quốc hội 2.0, tích hợp trợ lý ảo AI để hỗ trợ đại biểu tra cứu thông tin và đưa vào vận hành thử nghiệm ngay tại Kỳ họp này để việc tra cứu, sử dụng, nghiên cứu tài liệu Kỳ họp thuận tiện, nhanh chóng, chính xác và đầy đủ hơn, phục vụ triển khai hiệu quả các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH.

Dự kiến ngày 4/5, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức họp báo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV để cung cấp thông tin về dự kiến nội dung của Kỳ họp thứ 9 với báo chí trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử nghiệm, tích hợp trợ lý ảo AI để hỗ trợ đại biểu tra cứu thông tin tại Kỳ họp thứ 9