Trước đây người tiêu dùng chọn mua hàng có giá trị phù hợp với giá tiền. Hiện nay do thu nhập giảm vì dịch bệnh, người tiêu dùng chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Thậm chí, để mua được sản phẩm giá rẻ người dân đã “săn lùng” và so sánh giá.
“Thắt lưng buộc bụng”
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho hay, thời gian tới xu hướng tiêu dùng sẽ là cắt giảm chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng”. Ông Ngân dẫn chứng, Trung tâm phân tích và Dự báo cùng với Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã khảo sát gần 500 hộ gia đình. Kết quả, 88% hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm, 63,5% họ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời kỳ trước đại dịch. Do giảm thu nhập nên hạn chế chi tiêu là biện pháp phổ biến nhất được các hộ dân áp dụng.
Khảo sát của Công ty Kantar Việt Nam trong tháng 9/2021 tại các thành phố lớn cho thấy, trong những tháng dịch vừa qua tỷ lệ bi quan của người tiêu dùng rất lớn. Có đến 54% hộ gia đình được khảo sát cho biết là họ không ổn, rất khó khăn, phải cắt giảm chi tiêu. Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, người tiêu dùng quan tâm sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm và thu nhập. Các nhóm sản phẩm được tiêu thụ mạnh gồm các mặt hàng thời trang, chăm sóc sắc đẹp… Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát mạnh, mối quan tâm mới chính là dịch bệnh, thu nhập, có việc làm hay không... Các loại sản phẩm tiêu thụ mạnh trong những tháng dịch vừa qua, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, tã giấy, sữa bột cho trẻ em.
“Trước đây người tiêu dùng chọn mua hàng có giá trị phù hợp với giá tiền. Còn hiện nay do thu nhập cắt giảm, vì vậy chỉ những thứ thật sự cần thiết mới mua. Dự đoán, trong 6-12 tháng tới người tiêu dùng vẫn tập trung mua sắm các hàng thiết yếu. Thậm chí, để mua được sản phẩm đúng giá, sẽ có cuộc săn lùng và so sánh giá cả”, bà Nga nhận định.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM nhận định: “Trong 4 tháng dịch vừa qua các doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực thực phẩm cố gắng “gồng mình” để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không bị đứt gãy nguồn lương thực thực phẩm cung ứng cho thị trường. Hiện các DN cũng bắt đầu sản xuất hàng hóa chuẩn bị hàng cho thị trường lễ, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong thời gian qua làm nhiều người mất việc, cắt giảm thu nhập dẫn đến cắt giảm chi tiêu. Khó khăn của người tiêu dùng cũng chính là khó khăn của DN. DN lo sợ hàng sản xuất ra không tiêu thụ được do sức mua giảm.
Thích ứng xu thế
“Phục hồi kinh tế trong quý IV, lấy lại được thị trường, lấy lại doanh số không phải là bước đi có thể làm ngay được. Việc người tiêu dùng tích trữ hàng hóa quá nhiều dẫn đến việc kinh doanh trong quý IV sẽ gặp khó khăn. Dự báo, về sản lượng, về thị trường trong quý IV sẽ bị sụt giảm rất nhiều”, bà Lý Kim Chi nhận định.
Theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm thành phố, không quá kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ trong nước, song xuất khẩu có thể cứu vãn thị trường. Xuất khẩu kéo giúp ngành lương thực thực phẩm với điều kiện là không còn tình trạng cát cứ giữa các địa phương, để tạo điều kiện cho nguyên liệu, hàng hóa, được lưu thông thông suốt.
Còn theo quan điểm của bà Nga, trong 4 tháng qua, người tiêu dùng lo sợ dịch bệnh nên tần suất mua hàng giảm mạnh. Nhưng mỗi lần mua, khách hàng lại mua với số lượng hàng rất nhiều để tích trữ. Sau dịch, thói quen này cũng đã duy trì phần nào. Để đáp ứng với xu hướng của thị trường tiêu dùng, DN có thể sản xuất ra lượng sản phẩm lớn hơn để tối ưu hóa cho mỗi lần mua sắm. Đơn cử, mặc dù hết dịch nhưng xu hướng tích trữ vẫn còn. Thay vì, người tiêu dùng mua 2 -3 chai nước mắm (loại 1 lít), DN có thể sản xuất nước mắm loại chai 2 lít, 5 lít.
Dự báo của chuyên gia, nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng với hoạt động kích cầu tiêu dùng kỳ vọng, thị trường bán lẻ sẽ khởi sắc trong những tháng còn lại của năm 2021. Để tận dụng cơ hội này, DN cũng phải có chiến lược kích cầu tiêu dùng cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể của từng nhóm ngành hàng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, Sở Công thương đang có kế hoạch kết nối cung cầu, các chương trình xúc tiến thương mại vào cuối năm nhằm thúc đẩy kích cầu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 của TP HCM chỉ đạt 30.982 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước, giảm 65,2% so với tháng cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP HCM đạt 104.689 tỷ đồng, giảm 58,3% so với quý trước và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020.