Ngày mai (30/9), 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được Quốc hội chuyển từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sẽ đồng loạt khởi công. Liên quan tới việc thu phí cao tốc được người dân đặc biệt quan tâm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bác bỏ quan điểm cho rằng việc thu phí cao tốc dẫn đến phí chồng phí.
Nghiên cứu các phương án thu phí hợp lý
Vậy câu hỏi đặt ra là mức phí sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam được tính thế nào? Lý giải vấn đề này, theo ông Lê Kim Thành -Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư PPP, Bộ Giao thông vận tải: Tại Nghị quyết 52/2017, Quốc hội đã nêu rõ, đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP được xác định theo nguyên tắc mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Còn đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công thì nghiên cứu các phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn cho Nhà nước.
Ông Thành cho hay: Trong hồ sơ mời thầu các dự án PPP, chúng tôi đã cố định mức giá thu phí ở từng thời điểm, có thời điểm khởi đầu và từng giai đoạn trong suốt quá trình thực hiện của các dự án để mời thầu nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu tư trúng thầu sẽ ký kết và thực hiện theo các mức giá đó. Đối với 6 dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí để hoàn vốn cho Nhà nước.
“Hiện chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện đề án trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để bổ sung vào danh mục thu phí sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước trong danh mục phí và lệ phí”, ông Thành nói.
Với việc thu phí cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ thu phí hoàn vốn, hình thức có thể là nhượng quyền thu phí. Như tại một số quốc gia phát triển, dự án do Nhà nước đầu tư cũng thực hiện thu phí, ví dụ như Nhật Bản. Với Việt Nam, do nguồn lực Nhà nước có hạn nên việc thu phí sẽ giúp tái đầu tư các dự án khác, nâng cấp hạ tầng giao thông hiện đại hơn. Tới đây Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng nói rõ đường cao tốc sẽ thu phí.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Đông bác bỏ quan điểm cho rằng việc thu phí cao tốc dẫn đến phí chồng phí. Bởi theo ông Đông, cao tốc có đường song hành, người dân có quyền lựa chọn. Lái xe muốn di chuyển nhanh, an toàn hơn thì bỏ phí để vào cao tốc, còn không sẽ đi các tuyến đường khác.
Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm
Cùng với thu phí, về tiến độ hoàn thành 3 dự án sắp khởi công, ông Nguyễn Duy Lâm-Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lương công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Trong hồ sơ mời thầu cũng như hợp đồng ký kết với các nhà thầu trúng thầu, chúng tôi có đưa ra điều kiện về phạt hợp đồng. Đối với 3 dự án trên, điều kiện về mặt bằng đến nay đã được trên 90%, đến khi bàn giao cho nhà thầu thi công cơ bản đạt 100% nên việc ảnh hưởng về mặt bằng đến tiến độ thi công của nhà thầu tham gia dự án này gần như đã được hạn chế tối đa.
Đối với các nhà thầu thi công, yêu cầu phải xây dựng biện pháp tổ chức thi công hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho đến khi hoàn thành công trình theo đúng tiến độ tổng thể của Bộ GTVT, Chính phủ. Căn cứ vào tiến độ, kế hoạch thi công được tư vấn giám sát, Ban QLDA và Bộ GTVT phê duyệt để kiểm soát tiến độ thi công của nhà thầu. Do đó, các nhà thầu làm chậm hàng tuần, hàng tháng đều xác định được rất cụ thể và trong điều kiện quy định của hợp đồng, đối với mỗi ngày nhà thầu vi phạm tiến độ đã phê duyệt sẽ bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng và tổng giá trị của phần vi phạm không được vượt quá 12% giá trị hợp đồng.
Nhấn mạnh việc xử lý nhà thầu vi phạm, ông Nguyễn Duy Lâm cho rằng: Trình tự, thủ tục, cách thức để phạt hợp đồng quy định rõ, nhà thầu vi phạm lần 1 sẽ bị nhắc nhở, lần hai sẽ bị khiển trách và xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh của nhà thầu. Nếu nhà thầu vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị đánh giá lại năng lực. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực có thể điều chuyển khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, đồng thời thực hiện thủ tục phạt hợp đồng theo quy định.
* “Với các dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước vẫn đóng góp tiền vào làm đường, và số tiền này là thuế của dân, còn phần nhà đầu tư thì phải thu hồi, khi hết thời hạn đường sẽ là của Nhà nước. Do đó, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng nói rõ đường cao tốc thu phí trọn đời”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT.
* Dự kiến thu phí ở mức từ 1.500-2.000 đồng/km: Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư PPP(Bộ GTVT) : Ba dự án cao tốc bằng vốn đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ tiến hành thu phí với mức dự kiến từ 1.500-2.000 đồng/km. Riêng mức phí với dự án PPP phải bảo đảm hoàn vốn, trong dự án đã có quy định mức phí ở từng thời điểm khác nhau.