Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sẽ có giải pháp kết nối liên thông tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thu phí trả sau để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.
Theo các chuyên gia giao thông, thu phí không dừng (ETC) là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí truyền thống đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Trong đó, có minh bạch việc thu phí, giảm ùn tắc giao thông. Vậy vì sao tiến độ dự án này luôn bị chậm so với mốc đề ra, nhất là là số lượng phương tiện tham gia vẫn chưa nhiều.
Được biết, giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động không dừng thực hiện tại tổng số 44 trạm. Nhưng đến nay cả nước mới có khoảng 900.000/3,5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng. Trong khi đó, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cũng rất thấp, đạt khoảng 20%. Hiện đã có 36/44 trạm vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thu phí tự động không dừng cơ bản hoàn thành trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung, nỗ lực hết sức để triển khai hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong nhiều lý do khiến việc thực hiện chậm tiến độ như: Thiếu nguồn vốn triển khai trạm thu phí trên các tuyến cao tốc, một số quyết định, quy định liên quan cần sửa đổi...có một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, đặc biệt là của chủ sở hữu phương tiện, đó là lựa chọn công nghệ kết nối, thanh toán dịch vụ trả phí không dừng.
Lý giải vì sao thời gian qua doanh nghiệp vận tải và người dân chưa mặn mà với thu phí ETC, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, thực ra các doanh nghiệp vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng. Hiệp hội cũng đã trao đổi với một số địa phương và doanh nghiệp vận tải lớn thì thấy còn nhiều vấn đề chưa thông.
Trong đó, cần giải quyết mối quan hệ giữa người bán và người mua. Theo đó, các nhà đầu tư BOT nên bán dịch vụ và người kinh doanh vận tải hay người dân tham gia trên đường là bên mua dịch vụ. Đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ nên là đơn vị giúp cho bên bán được dịch vụ tốt nhất, công khai minh bạch nhất. Và muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần và mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa quan tâm đúng mức.
Ông Quyền cho rằng, đứng ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một cái rồi ép người dùng. Tại sao khi tôi mua thì lại không có nhiều phương thức lựa chọn, chẳng hạn như phải có phương thức trả trước, có phương thức trả sau. “Nên nghiên cứu hai phương thức là trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được”, ông Quyền đề xuất.
Đi vào giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp chủ phương tiện thấy được những lợi ích từ chủ trương thu phí tự động không dừng, và để nhận được sự hưởng ứng, cộng hưởng từ chính các chủ phương tiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại có giải pháp kết nối liên thông tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc trả sau để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.