Có mặt tại làng Song Hồ "thủ phủ" vàng mã lớn nhất miền Bắc, PV Báo Đại Đoàn Kết bắt gặp hình ảnh nhà nhà, người người tấp nập sản xuất những món đồ vàng mã dành cho người "cõi âm". Theo gia đình sản xuất vàng mã Quyên Phương chia sẻ, kể từ sau dịch Covid-19 kinh tế khó khăn, thị trường vàng mã tiêu thụ khó khăn hơn so với những năm trước. "Hàng năm, cứ vào thời điểm này, nhà ai cũng tất bật sản xuất nhưng từ vài năm trở lại đây không khí ảm đạm hơn hẳn. Thời "hoàng kim", xưởng nhà tôi phải thuê hơn 10 nhân công để làm, giờ chỉ còn 3, 4 người", chị Phương nói. Tương tự, gia đình chị Hằng (trú tại Song Hồ) chia sẻ, năm nay khó khăn, hàng sản xuất nhiều nhưng bán rất chậm. Vì vậy, gia đình chị cũng phải giảm số lượng nhân công, dù vậy cũng phải khẩn trương sản xuất để kịp thời cung ứng ra thị trường dịp Rằm tháng 7. "Hầu hết vàng mã phục vụ Rằm tháng 7 đều được chúng tôi chuẩn bị từ trước 2 tháng mới kịp thời điểm", chị Hằng nói. Theo người dân làng Song Hồ chia sẻ, những mặt hàng như thuyền rồng, hình nhân bà chúa, ngựa, voi dùng để phục vụ đền, chùa, hầu đồng...được tiêu thụ khá nhanh. Cứ sản xuất ra là có mối tới hỏi mua. Sản phẩm vàng mã thuyền rồng có giá 65.000 đồng/chiếc. Các sản phẩm vàng mã như quần áo, giày dép chỉ có giá 10.000 - 30.000 đồng/bộ. Dù lượng tiêu thụ giảm, nhưng người dân thủ phủ vàng mã vẫn tất bật để kịp cung ứng ra thị trường. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các sản phẩm vàng mã công nghệ như "người trần" được chuẩn bị đầy đủ. Hình ảnh những ngôi nhà được sản xuất dành cho người "âm". Dầu gội đầu, máy cạo râu, máy sấy, mỹ phẩm... cũng được làm như thật. Cả một ngôi nhà được chất kín vàng mã. Nhiều loại điện thoại với đủ chủng loại cũng được người dân tạo ra dành cho "người âm". Người dân tất bật vận chuyển vàng mã lên xe để bán cho các thương lái. Những chiếc xe chất đầy vàng mã liên tục được vận chuyển đi khắp cả nước để tiêu thụ.