Thú thưởng ca trù ngày nay

NGUYỄN QUANG LONG 22/10/2023 08:23

“Thưởng” ca trù hay thưởng thức các nghệ thuật ca hát dân gian là cái thú thanh tao của người xưa, nó đòi hỏi người trong cuộc phải yêu và hiểu thì mới đủ để cảm nhận được cái hay của nghệ thuật.

Nhóm nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm với giáo sư Ngô Bảo Châu (người đứng ngoài cùng bên phải).

Nay, nghệ thuật dân tộc im lắng hơn, nhưng lẩn khuất đâu đó trong khắp chốn nhân gian vẫn có những người muốn thưởng thức nó. Dẫu không còn nằm ở bề nổi, dẫu lối “thưởng nhạc” đã khác xưa, “cuộc chơi” nghệ thuật cổ nhạc vẫn đầy thú vị và đang hiện hữu.

Một cách thưởng nhạc

Nhân một mối duyên dẫn lối, cách đây chừng hơn ba năm, lần đầu chúng tôi có dịp giới thiệu hát xẩm và cổ nhạc Việt Nam tại tư gia của giáo sư Ngô Bảo Châu trong một khu chung cư cao cấp tại trung tâm Hà Nội.

Giáo sư Châu là một tên tuổi nổi danh thế giới với những nghiên cứu xuất sắc của mình trong lĩnh vực toán học. Tưởng như một ngành khoa học tự nhiên không có mối liên kết với nghệ thuật, nhất lại là cổ nhạc, vậy mà kể từ lần đó, cứ thi thoảng mỗi năm vài bận vị giáo sư toán học lại mời chúng tôi đến trình diễn cổ nhạc. Chúng tôi coi đó là một cái duyên.

Cổ nhân nói “rượu ngon phải có bạn hiền”, giáo sư Ngô Bảo Châu không nghe nhạc một mình, cũng không nghe nhạc quá đông người, ông nghe với những người bạn thân thiết, bạn cùng giới toán học và nhất là mỗi dịp có các giáo sư toán học thế giới sang công tác, ông sẽ tổ chức một đêm nghệ thuật dân tộc chiêu đãi khách quý.

Giáo sư Châu cũng không bao giờ nghe nhạc kết hợp với đãi tiệc khách quý cùng lúc. Ông luôn chia buổi tiếp khách làm hai phần chính, phần đầu là thưởng thức nghệ thuật âm nhạc dân tộc, kéo dài từ 60 đến 90 phút. Sau đó mới đến phần hai, tiệc đãi khách. Vì là trình diễn tại tư gia, trong một không gian nhỏ, khách nghe cũng chỉ trên dưới 10 người cho nên các nghệ sĩ cũng trình diễn thứ âm nhạc thật nhất, từ nhạc cụ đến giọng hát đều không cần đến sự hỗ trợ của âm thanh.

Nghe của giáo sư cùng bạn bè cũng không đơn giản để thưởng thức, mà còn tìm hiểu. Tôi còn nhớ lần đầu tới, giáo sư đã hỏi rất nhiều về mỗi tiết mục liên quan, về hát xẩm, về lịch sử, về tính chất và các lớp ý nghĩa trong bài. Rồi với cây đàn bầu, tại sao lại có kết cấu như vậy, lịch sử và nguồn phát âm của nó… Có lần trong số những nhà khoa học, nhà toán học đang công tác tại nước ngoài có một nhà nghiên cứu trẻ người Việt ở khu vực Nam bộ biết chơi đàn kìm và nhạc tài tử đã cùng giao lưu một bài và cùng đàm đạo khám phá cổ nhạc.

Mới đây, giáo sư tiếp đoàn các nhà toán học thế giới lại mời chúng tôi tới chia sẻ. Lần này, bên cạnh hát xẩm, chèo, hát văn, đàn bầu, sáo trúc và đàn nguyệt giáo sư còn muốn có thêm ca trù. Mặt khác, không gian trình diễn cũng khác, thay vì địa điểm tại trung tâm thành phố, giáo sư tiếp bạn tại tư gia lớn của mình, nơi mà cụ thân sinh đang ở.

Một bài ca trù hay

Với ca trù, lại là Hà Nội, chúng tôi mời ca nương - nghệ nhân ưu tú Thúy Hòa cùng Giáo phường Ca trù Thái Hà, một giáo phường có truyền thống tới hơn 7 đời giữ ca trù ở mảnh đất Hà thành này. Bữa đó, Thúy Hòa hát bài ca trù hát nói mang tên “Trên vì nước, dưới vì nhà” còn có cách gọi thứ hai là “Nợ nam nhi”. Dẫu là hát nói nhưng phần trình diễn này có một vị thế đặc biệt bởi nhiều điểm mới hồi sinh trong cách đàn, lối hát đã được NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường nghiên cứu nhiều năm và mới phục hồi. Và phần trình diễn ở đây gần như có vai trò như một cuộc công bố tác phẩm phục hồi.

Bài ca trù mang tinh thần tươi tắn, lạc quan và có khí phách. Mở đầu bằng câu thơ chữ Hán: “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái”. “Tang bồng hồ thỉ” ở đây có nghĩa là cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ hồng. “Nam nhi trái” có nghĩa là nợ nam nhi. Nghĩa của câu thơ: Cung tên là nợ của kẻ làm trai. Câu thơ tiếp theo là “Cái công danh là cái nợ nần”. Đại ý của hai câu thơ mở đầu này là chỉ người con trai đã sinh ra ở trên đời là mang nợ làm trai, nợ này phải trả, cuộc đời phải tung hoành vùng vẫy phải làm việc có chí lớn.

Mạch thơ vừa gợi mở từ hai câu mở đầu tiếp tục được khẳng định rõ hơn ở hai câu thơ thứ 3 và 4 tiếp theo của bài thơ: “Nặng nề thay hai chữ “quân thân”/ Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ. “Quân thân ở đây là chỉ vua và mẹ cha; “vi tử vi thần” là làm con và làm tôi. Đại ý của hai câu thơ tiếp theo này là thân nam nhi thì phải xem nặng hai chữ vua và đấng sinh thành vì thế đạo làm con và đạo làm tôi luôn là trọng trách của người đàn ông.

“Cũng rắp điền viên vui thú vị/ Trót đem thân thế hẹn tang bồng” là câu thơ thứ 5 và 6, thông thường với một bài ca trù hát nói, đây là hai câu thơ ở vị trí trung tâm của bài. Điền viên là khi có tuổi, hẹn tang bồng là hẹn với nước non. Hai câu thơ tiếp tục đề cao món nợ làm trai.

“Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung/ Hết bốn chữ “tinh trung báo quốc"/ Nghiêng mình những vì dân vì nước/ Túi kinh luân từ trước để về sau” là các câu thơ thứ 7, 8, 9, 10 của bài thơ hát nói. Đại ý của 4 câu thơi nói việc người làm trai phải hết lòng đền ơn nước, việc nước giỏi thì tiếng thơm lưu truyền mãi về sau.

Câu thơ cuối cùng của bài thơ là một câu thơ 6 chữ: “Nghìn thu một tiếng công hầu”. Câu thơ này như sự tóm lược ngắn nhất tinh thần bài hát nói để có sự kết thúc một cách trọn vẹn.

Tiếng trống chầu đanh thép, tiếng đàn đáy trầm đục ngâm nga, tiếng róc phách đanh chắc, rộn ràng cứ đan quyện vào nhau khiến lòng người chộn rộn. Khi đã đủ khổ đàn, giọng hát của ca nương Thúy Hòa vang lên vừa hào sảng, vừa phơi phới lại có cái nảy, cái ghìm rất riêng trong cách hát ca trù khiến cho bài ca trù hát nói này càng trở nên huyền diệu, như đưa khán giả vào cõi riêng rất Việt Nam. Cả khán phòng như bị cuốn vào nhịp phách, cung đàn, tiếng trống mà quên đi đất trời. Phần trình bày đã tạo nên sức hút đặc biệt với toàn bộ khán giả bữa thưởng thức hôm đó.

Một ẩn ý đẹp

Cũng vì quá ấn tượng với bài ca trù này mà sau khi kết thúc buổi diễn, tôi tò mò hỏi NSƯT Văn Khuê tại sao lại chọn bài “Trên vì nước, dưới vì nhà”? Sở dĩ hỏi như vậy vì chúng tôi là những người gắn bó với nhạc truyền thống dân tộc cả cuộc đời, trên hành trình âm nhạc không thể nhớ hết đã thực hiện bao nhiêu buổi trình diễn nhưng có một chi tiết luôn nằm lòng đó là thể hiện những bài quen nhất, rất hãn hữu mới dùng những bài mới. Lý do bởi bản thân cổ nhạc đã ít được quan tâm chứ không phổ cập như nhạc đại chúng, cho nên thể hiện những bài quen thuộc nhất là để khán giả dễ tiếp cận nhất. Nhưng “Trên vì nước, dưới vì nhà” lại là một bài lạ, trong khi phần trình diễn của nhóm trong buổi hôm đó cũng chỉ có 2 bài.

Ông Khuê cho biết đây là một bài rất hay của nhà thơ Nguyễn Công Trứ. Bản thân cụ Trứ là một hiền tài của dân tộc, vừa giỏi việc nước, vừa giỏi văn thơ. Cụ viết một bài đầy khí chất nam nhi với những món nợ với nước non.

Bài này nghe qua sẽ tưởng các nghệ nhân, nghệ sĩ trình bày hát dành cho nhân vật chính ở tư cách khán giả, đó chính là giáo sư Ngô Bảo Châu. Thực tế thì đúng như vậy. Tuy nhiên, “tôi đã bảo cô Thúy Hòa, đến nhà giáo sư trình diễn, lại có cả sự tham gia của mẹ giáo sư, thì phải hát “Trên vì nước dưới vì nhà”, đó như một lời khen của các nghệ sĩ dành cho người mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng một người con đã làm rạng rỡ đất nước trong lĩnh vực mình cống hiến. Bên cạnh lời khen còn là lời cảm ơn của những nghệ sĩ với tư cách một người dân bình thường tới người mẹ của giáo sư cũng với lý do trên.

Ồ, vậy là không hẹn mà trùng lặp ý tưởng. Trong buổi trình diễn, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành cũng đã thể hiện bài xẩm thập ân “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

Bài xẩm này là lời tri ân của người con, khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha dành cho những đứa con của mình. Điều mà mỗi người con cần phải giữ mãi trong hành trình cuộc đời. Việc thể hiện bài xẩm thập ân này cũng tựa như việc các nghệ sĩ hát xẩm muốn thay lời cảm ơn sinh thành dưỡng dục tới chính người mẹ thân yêu của mình.

Rõ ràng, âm nhạc là thế giới tuyệt vời của những cung bậc cảm xúc, là sự thăng hoa trong cảm nhận. Những ý tứ trong từng chi tiết nhỏ nếu để ý sẽ thấy nghĩa lớn mang tinh thần nhân văn sâu sắc của dân tộc vẫn được hiện hữu trong những hoạt động nho nhỏ như buổi trình diễn cổ nhạc, trình diễn ca trù kể trên. Cổ nhạc nói chung, ca trù nói riêng cần có sự đồng hành nhiều hơn nữa để “sức mạnh mềm” của nó được lan tỏa rộng khắp mọi nơi, làm đẹp cho cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú thưởng ca trù ngày nay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO