Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GDĐT: Quy đổi điểm các phương thức xét tuyển bảo đảm chặt chẽ, công bằng

Nguyễn Hoài 03/04/2025 18:42

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn, trong các mùa tuyển sinh trước, việc quyết định đểm trúng tuyển dựa trên chỉ tiêu các phương thức không khoa học, minh bạch. Đây là kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Vì vậy, quy đổi tương đương điểm chuẩn hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển

Trao đổi với báo chí chiều 3/4, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, năm nay quy chế tuyển sinh đại học có 2 điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và áp dụng quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, đối với những ngành hoặc chương trình đào tạo chỉ sử dụng một phương thức tuyển sinh duy nhất như: chỉ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc chỉ xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy,... thì các trường không cần thực hiện quy đổi.

anh sơn PV
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi với báo chí chiều 3/4. Ảnh: Trần Hiệp.

Nhìn lại các mùa tuyển sinh trước, ông Sơn cho rằng, việc quyết định đểm trúng tuyển dựa trên chỉ tiêu các phương thức không khoa học, minh bạch. Đây là kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực và không đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh.

Do đó, ông Sơn cho biết, Bộ GDĐT buộc phải đưa ra quy định chặt chẽ, không để các trường tự quyết điểm chuẩn theo từng phương thức xét tuyển mà không có căn cứ khoa học rõ ràng.

Trước ý kiến lo ngại rằng quy đổi điểm có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Tự chủ không có nghĩa là tùy ý, mà phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Các trường vẫn có quyền quyết định phương thức xét tuyển, nhưng Bộ sẽ hướng dẫn việc quy đổi điểm để đảm bảo rằng các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành có sự tương đồng về đánh giá năng lực thí sinh.

Năm nay, Bộ GDĐT không chỉ yêu cầu các trường giải trình về phân bổ chỉ tiêu, mà còn yêu cầu giải trình rõ ràng về điểm chuẩn trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành. Việc giải trình phải dựa trên căn cứ khoa học, chứ không thể dựa trên sự phân bổ chỉ tiêu theo ý chí chủ quan của từng trường”.

Quy đổi như thế nào để đảm bảo khoa học?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu chính của việc quy đổi là để đánh giá năng lực thí sinh một cách công bằng giữa các phương thức xét tuyển, tuy nhiên không thể áp dụng một công thức quy đổi điểm chung cho tất cả các ngành và tất cả các trường. Bởi mỗi ngành đào tạo có tính đặc thù riêng, vì vậy Bộ GDĐT không áp đặt một công thức cứng nhắc.

Hiện có hàng nghìn ngành, chương trình đào tạo khác nhau. Do đó, Bộ GDĐT chỉ đưa ra một khung quy đổi điểm phổ biến, bao gồm các tiêu chí cơ bản như: Điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trên cơ sở này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi phù hợp với đặc thù của từng ngành và từng trường.

Để việc quy đổi điểm khoa học, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, có nhiều phương pháp quy đổi, nhưng nhìn chung các trường đại học hoàn toàn có thể thực hiện được việc quy đổi này một cách khoa học.

Ngoài việc hướng dẫn quy đổi điểm dựa trên kết quả thi tuyển, Bộ GDĐT còn đề xuất một cách tiếp cận khoa học hơn: Kiểm chứng lại mức quy đổi điểm bằng kết quả học tập của sinh viên. Các trường có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên năm nhất, năm hai để kiểm tra xem các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau có sự tương quan về năng lực hay không.

Nếu một phương thức xét tuyển có điểm chuẩn thấp hơn nhưng sinh viên lại có kết quả học tập tốt hơn, hoặc ngược lại điểm chuẩn cao hơn nhưng sinh viên học yếu hơn, điều này có thể chỉ ra sự chưa hợp lý trong cách quy đổi điểm.

Theo kế hoạch dự kiến, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học, không giới hạn số lần bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các nguyện vọng của thí sinh vào tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được xử lý nguyện vọng trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thứ trưởng Bộ GDĐT: Quy đổi điểm các phương thức xét tuyển bảo đảm chặt chẽ, công bằng