Ngày 29/1, bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã có trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện phát triển nông nghiệp.
Bàn về câu chuyện đưa nông nghiệp cất cánh, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhận định giai đoạn tới, chúng ta phải đưa kinh tế hợp tác - kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ở một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phải coi nó như một “cứu cánh” để chúng ta vượt qua lời nguyền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Lý giải về điều này, ông Lê Minh Hoan dẫn chứng: Thực tế những gì đã làm được ở một số địa phương như Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum có đủ cơ sở để tin rằng nếu mà cấp uỷ, chính quyền các địa phương thấy được sự bức xúc, bức thiết của HTX, của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư hỗ trợ cho người nông dân thì phong trào HTX trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững hơn.
Đây cũng chính là đòn bẩy để chúng ta kết nối những hộ sản xuất nhỏ lại với nhau, kích hoạt chuỗi hợp tác của nông dân với nhau, tạo liên kết giữa người nông dân với HTX, doanh nghiệp.
Một giải pháp căn cơ khác được Thứ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra đó là cần có những giải pháp để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan đánh giá, một tín hiệu rất vui là trước đây các tập đoàn lớn không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.
Từ những tín hiệu tích cực đó, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng để cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp.
“Trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con "đại bàng", cũng sẽ có những con "chim sẻ". Chúng ta muốn có nhiều "đại bàng" để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con "chim sẻ" - đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương. Mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực của các "chim sẻ" lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa” - Thứ trưởng Lê Minh Hoan ví von.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, trong thời gian tới, các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp cũng phải được ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi lẽ, những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, khi họ khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các con "đại bàng".
Quan trọng không kém là phải có chính sách để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì khi các nhà đầu tư đến họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết.
“Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để kéo các "đại bàng" về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ và khẳng định, nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố như đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về chính nơi các em, các cháu sinh ra.
Có như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải "ca cẩm" chuyện thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi tới các khu công nghiệp ở Bình Dương, đi Đồng Nai, đi Hải Dương…