Thủ tục cho dự án BĐS: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thanh Giang 10/04/2019 17:38

Kiến nghị với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp bất động sản đã trình bày nhiều bức xúc trong thủ tục hành chính để triển khai dự án.

Thủ tục cho dự án BĐS: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo UBND TP HCM giải đáp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Ngày 10/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo UBND TP đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp doanh nghiệp bất động sản về các vướng mắc cần tháo gỡ.

Ách tắc hàng loạt dự án

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho hay, 3 tháng đầu năm 2019 các doanh nghiệp trong ngành lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Chậm trễ rà soát, kiểm tra của thành phố và trung ương làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp riêng, đến nguồn cung thị trường nói chung.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết, trong quý 1 2019, số lượng dự án phê duyệt giảm 63%, cấp giấy phép xây dựng kể cả khu vực nhà dân và dự án giảm 16% so với cùng kỳ. Số lượng hợp đồng nhận thầu của các doanh nghiệp xây dựng sụt giảm từ 30 - 50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu dự án mới.

Theo HoREA, thời gian qua, TP HCM và trung ương đã rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố. Trong đó có 124 dự án được chấp thuận tiếp tục khiển khai. Còn lại khoảng 30 dự án khác đang trong thời gian rà soát, thanh tra. HoREA mong. Thành phố và thanh tra Chính phủ sớm xem xét để các dự án đi vào hoạt động. Riêng với 124 dự án đã thông qua thành phố nên công khai danh sách để chủ đầu tư có cơ sở làm việc với sở - ngành liên quan nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Liên quan đến những dự án bị trì hoãn để hỗ trợ cho quán trình rà soát, kiểm tra, HoREA còn đề cập đến 300 mặt bằng đất cộng thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất.

HoREA hy vọng, thành phố phân thành 3 nhóm để dễ thực hiện.

Thứ nhất, nhóm mặt bằng thực hiện đúng quy định.

Thứ hai, nhóm mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước ở mức độ nhẹ.

Thứ ba, mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. HoRAE cho rằng, càng kéo dài hoạt động thanh tra càng bất lợi cho doanh nghiệp vì vốn, lãi vay ngân hàng tăng, không nắm bắt được thời cơ đầu tư. Số lượng dự án sụt giảm dẫn đến nguồn cung ít sẽ bất lợi cho cả người mua nhà và thị trường bất động sản.

Trả lời HoREA và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, trong quá trình rà soát những dự án nào thanh tra có sai thì dừng lại, dự án nào công an thụ lý cũng buộc phải ngưng triển khai.

Số dự án không vướng tiếp tục thực hiện thủ tục bình thường theo đúng pháp luật. Thành phố đã giao 124 dự án cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian tới, Sở này sẽ mời doanh nghiệp lên hướng dẫn. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm công khai. Riêng 300 mặt bằng cũng sẽ xem xét cụ thể, nếu không bán thì thu hồi lại tránh lãng phí.

Chậm ra sản phẩm vì vướng thủ tục

Ngoài băn khoăn về tình trạng “đóng băng” của các dự án chờ rà soát, kiểm tra, vấn đề thủ tục hành chính khiến không ít doanh nghiệp bức xúc. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai phân trần: “Nếu không vì cổ đông, khách hàng, vì nợ nần ngân hàng thì tôi tự tử tôi chết do doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn”.

Vị này giải thích, hiện nay công ty có 12 dự án ách tắc với diện tích 150 ha. Khi rà soát lại, thấy còn 3.000 m2 đất ở nên muốn triển khai tuy nhiên, doanh nghiệp phài trầy trật với dự án trên.

Cụ thể, tháng 11/2017, dự án được duyệt tỷ lệ 1/500 chấp nhận chủ trương đầu tư, trình Sở Xây dựng duyệt. Khi trình UBND TP HCM thì chuyên viên của Văn phòng UBND trả về vì văn bản Sở Xây dựng TP HCM ghi “cơ bản hoàn thành” mà không khẳng định “hoàn thành”. Chỉ vì một câu chữ mà yêu cầu doanh nghiệp quay lại từ đầu duyệt 1/2.000 trong lúc đã được duyệt đồ án 1/500.

Bức xúc về thủ tục hành chính, ông Lê Hoàng Châu khẳng định, vẫn còn có một số cán bộ, công chức có biểu hiện thiếu công bằng, thiếu minh bạch, chưa đối xử bình đẳng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Có hồ sơ được giải quyết nhanh, thậm chí rất nhanh, có hồ sơ lại bị gây khó, bị chuyển lòng vòng, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần.

Thành phố chọn “Năm 2019 là năm cải cách thủ tục hành chính”, cho nên Hiệp hội đề nghị, thành phố nhân rộng các điển hình tiên tiến để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, trong suốt.

Đánh giá cao hiệu quả kinh doanh từ các doanh nghiệp bất động sản đóng góp cho thành phố, song Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ những vướng mắc mà doanh nghiệp trong ngành gặp phải. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay: “Quy trình thực hiện liên quan đến nhiều sở chưa được phân công rõ. Phải có sự phân công, thời hạn giải quyết công việc. UBND có văn bản yêu cầu các sở rà soát, báo cáo. Không để tình trạng giám đốc sở trả lời muốn giúp doanh nghiệp mà không biết làm thế nào”.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, thành phố xem xét, xử lý dự án đều căn cứ trên pháp luật. Nếu vấn đề nằm ngoài thì các sở phải liên kết, trao đổi với nhau để xử lý. Cái nào liên quan đến vướng mắc từ luật, văn bản pháp luật phải có kiến nghị cấp trên để có hướng giải quyết tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục cho dự án BĐS: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp