Trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) theo ngành nghề đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, các Luật về thuế, Luật về khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
Tuy nhiên các chính sách trên vẫn tản mạn, chưa tạo được sự đột phá cho DN phát triển theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính vì vậy trong Luật Hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa cần gom lại một số chính sách có tác động trực tiếp, có tính chất thúc đẩy cho DN phát triển. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là quy định được thủ tục hành chính phải thông thoáng thuận lợi tránh việc tiếp cận với chính sách gặp khó khăn
Ông Lợi cho rằng, hầu hết các chính sách hỗ trợ cho DN đã có ở trong các chính sách khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế..., tuy nhiên tính khả thi của các Luật đến giờ phút này chưa cao, chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Lợi, hiện chính sách của ta có quá nhiều nhưng tính khả thi không cao, cần đánh giá lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DN trong thời gian qua. Nhưng có một thực trạng cần nghiên cứu là hiện nay chúng ta có khoảng 600 ngàn DN đăng ký với cơ quan nhà nước nhưng bản chất hoạt động có thể đánh giá qua 2 con số. Con số thứ nhất là 470 ngàn DN nộp thuế, tức là chỉ DN hoạt động có hiệu quả mới nộp thuế, hoặc có thể có một số DN hoạt động nhưng không hiệu quả nên không nộp thuế, hoặc trốn thuế. Nhưng điều đáng suy nghĩ nằm ở con số thứ hai đó là chỉ có 180 ngàn DN đóng bảo hiểm xã hội. Cho nên đây chính là lỗ hổng của chúng ta trong công tác quản lý.
Tính cấp thiết của Luật này thể hiện mục tiêu của Đảng đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu DN và đây là sự cố gắng lớn nhưng băn khoăn khi trong chính sách hỗ trợ ưu tiên nhưng lại có quá nhiều chính sách. “Tôi nghĩ nếu chúng ta thu gom lại một số chính sách có tác động trực tiếp, có tính chất thúc đẩy, có tính chất làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và có tính chất thu hút thì sẽ có hiệu quả hơn vì chúng ta rất nhiều chính sách nhưng không phát huy hiệu quả, không tác động được”- ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi cũng cho rằng, nên sắp xếp, xem xét lại tập trung vào một số chính sách có thể tác động lớn trong hiệu quả thực thi đối với DN nhỏ và vừa để tạo ra sự thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hộ gia đình chuyển thành DN trong đấu thầu, tiếp cận thị trường vì hiện nay đây là điểm yếu, kém và DN nhỏ và vừa không có khả năng.
Ông Lợi nói: “Trong vấn đề đào tạo, DN nhỏ và vừa không thể đào tạo nhân sự và trình độ quản lý, rồi cung cấp thông tin để chuyển hóa tạo ra thị trường, tức là không phải là sản xuất tự cung tự cấp mà tạo ra chiến lược thị trường. Cho nên nếu ta tập trung vào các vấn đề trên sẽ tốt hơn, tác động hiệu quả tới hoạt động của DN”.
Ông Lợi cũng lưu ý rằng, trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vấn đề quan trọng nhất là quy định được thủ tục hành chính phải thông thoáng thuận lợi tránh việc tiếp cận với chính sách gặp khó khăn. “Ví dụ như vấn đề nhà ở xã hội, chúng ta nói rất thông thoáng nhưng tìm được nhà đầu tư rất là khó. Cho nên cần cải cách hành chính để tránh cơ chế xin cho là vấn đề quan trọng”- theo ông Lợi.