Ông Đinh Xuân Hồng hỏi: Tôi sinh năm 1940, từng có 11 năm tham gia chiến trường và hiện là thương binh. Năm 1978, tôi làm Chứng minh nhân dân, trong Chứng minh nhân dân ghi năm sinh của tôi là năm 1945.
Hiện nay, tôi không có Giấy khai sinh nhưng trong Sổ hộ khẩu, Quyết định nghỉ mất sức, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, thẻ Bảo hiểm y tế, thẻ Cựu chiến binh, Giấy lĩnh lương hàng tháng của tôi đều ghi sinh năm 1940. Bộ Công an cho tôi hỏi, với thông tin về năm sinh là khác nhau giữa Chứng minh nhân dân và các giấy tờ nêu trên, tôi có thể làm thẻ Căn cước công dân được không?
Bộ Công an trả lời:
Tại Điều 18 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân quy định người được cấp thẻ Căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú. Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào Giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.
Như vậy, trường hợp của công dân Đinh Xuân Hồng đủ điều kiện để được cấp thẻ Căn cước công dân.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân đề nghị công dân xuất trình các giấy tờ hợp pháp liên quan của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc thay đổi, đính chính năm sinh từ năm 1945 sang năm 1940; căn cứ để xác định năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ cựu chiến binh… là sinh năm 1940 để cơ quan Công an có đủ căn cứ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Đinh Xuân Hồng theo quy định.