Khoảng 41% DN gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, nhất là thủ tục khai thuế, khai quyết toán thuế, hoàn thuế, đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế...
Đó là thông tin ngày 7/3, do Tổng cục Thuế, Ngân hàng Thế giới, cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”.
Để đánh giá mức độ hài lòng về các thủ tục thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp câu trả lời từ 3.453 DN. Kết quả sự hài lòng năm 2016 là 7,51 điểm, quy ra tỷ lệ là 75% hài lòng.
Theo phản ánh từ cộng đồng DN, các mẫu biểu báo cáo thường hay thay đổi, gây mất thời gian cập nhật mẫu cho các phần mềm kế toán. Đáng chú ý, biểu mẫu quyết toán, sổ sách gần đây thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí.
Phía VCCI dẫn chứng, chỉ cập nhật theo thông tư mới mà riêng công ty phần mềm X đã thu thêm phí cho 1 phiên bản là 5 triệu đồng. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp cần phải cập nhật nên tốn kém khoản tiền rất lớn.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, số DN gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin, chính sách và thực hiện các TTHC thuế có giảm đi đáng kể, song vẫn còn có 55.4% DN gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về TTHC thuế, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2014 là 70%.
Riêng thủ tục hoàn thuế tiếp tục hành DN. Với phương thức hoàn trước, kiểm tra sau hay kiểm tra trước, hoàn sau thì các DN cũng chỉ mất 2 lượt đi lại giải trình với cơ quan thuế.
Thế nhưng, trên thực tế, có một số trường hợp cho biết, DN phải đi lại giải trình trên 10 lần nếu hoàn trước, kiểm tra sau và một vài trường hợp cá biệt phải đi lại tới 15, thậm chí 20 lần nếu kiểm tra trước, hoàn sau. Khi đã được chấp nhận hoàn thuế rồi thì hành trình nhận được tiền hoàn thuế cũng vô cùng gian nan.
Với những hồ sơ hợp lệ thì chỉ 15 ngày là DN nhận được quyết định hoàn thuế và 7 ngày sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía DN, có 4% DN cho biết nhận được quyết định hoàn thuế sau hơn 90 ngày và 3% DN mất khoảng 90 ngày mới nhận được tiền hoàn thuế.
Năm 2016, 24% DN cho rằng nội dung thanh tra kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, 21% niên độ kiểm tra trùng lắp; 36% cán bộ thuế suy diễn bất lợi cho DN; 34% phải chi chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra thuế, tăng 2% so với cuộc điều tra năm 2014.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, ngành thuế vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để cải cách ngành theo hướng đồng bộ và ổn định, lâu dài.
Đó là nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thuế và chú trọng khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa.
Cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức; công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế cũng cần được tiếp tục cải thiện; chú ý có biện pháp hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật thuế…