Giao thông

Thủ tướng cắt băng khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm

Lê Khánh 24/12/2023 13:26

Sáng 24/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành 4 dự án giao thông lớn.

4 dự án đầu tư gần 18.000 tỷ đồng chính thức được đưa vào khai thác.

z5004325054651_b7c2def116ca7b4a240af0234e67bd76.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Cảng Hàng không Điện Biên.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hôm nay tại TP Điện Biên Phủ - địa danh lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chúng ta cùng với các địa phương Tuyên Quang, Tiền Giang, Vĩnh Long - những vùng đất lịch sử, có nền văn hóa bản sắc và có truyền thống lịch sử hào hùng, nhưng đời sống người dân ở các vùng này còn rất khó khăn, tổ chức khánh thành 4 dự án sân bay, cầu lớn qua sông Tiền, đường cao tốc ở 2 đầu đất nước với tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.

z5004366416720_060c5baa994e65a64db004659a0be6b1.jpg
Hình ảnh Cảng Hàng không Điện Biên.

"Đây là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên tổ chức khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm, trong cùng thời điểm bằng trực tuyến. Xúc động hơn nữa khi gặp mặt 20 chiến sĩ Điện Biên Phủ, cách đây 70 năm đã hy sinh một phần xương máu, cống hiến thanh xuân góp phần trong chiến thắng Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sự kiện khánh thành sân bay Điện Biên Phủ và 3 công trình giao thông có thể coi là món quà của thế hệ hôm nay động viên, gửi đến các chiến sĩ năm xưa", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với bốn công trình nay đã nâng tổng số đưa vào khai thác 730km cao tốc Bắc-Nam phía Đông và tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước gần 1.900. Hiện đang thi công gần 1.700km cao tốc Bắc-Nam kết nối với Đông-Tây. Như vậy, mục tiêu sẽ hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 và đến 2030 có trên 5.000km cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây. Đây là việc khó nhưng đã quyết tâm làm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra các dự án khánh thành hôm nay đều có chung đặc điểm khó khăn gồm vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ, kinh tế đầu tư có hạn nên huy động Trung ương và địa phương và tăng thu tiết kiệm chi nhất là chi thường xuyên, vốn cho phục hồi kinh tế, huy động nhiều nguồn vốn khác nhau; nguyên vật liệu giá cả biến động, khan hiếm vật liệu thông thường; thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến động thời tiết; giải phóng mặt bằng khó khăn và bảo vệ môi trường.

z5004366429870_89d9b95d2366abf753bf37fcbfb2fe82.jpg
Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, công nhân nhà thầu, sự giúp đỡ nhân dân nơi dự án đi qua, sự vào cuộc của địa phương cùng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa; ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường chiến thắng đại dịch; làm việc xuyêt đêm, xuyên Tết; 3 ca, 4 kíp” tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết đã lan tỏa, truyền cảm hứng và tin chắc những dự án tiếp theo có cơ sở nền tảng hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Với các dự án hoàn thành vượt tiến độ này, Thủ tướng cũng đưa ra các bài học trong đó chú trọng đổi mới tư duy bởi tư duy tốt tạo nguồn lực, đổi mới tạo ra động lực, huy động sức mạnh tổng hợp nhân dân và hệ thống chính trị; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, bố trí nguồn lực, thực hiện tăng cường giám sát kiểm tra, thúc tiến độ; phát huy tính tực lực tự cường của địa phương để chủ động sáng tạo, kịp thời; gặp khó khăn vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực lớn phải quyết liệt làm dứt điểm việc đó; sự phối hợp với các bộ, ngành; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan địa phương phối hợp làm tốt công tác khai thác có hiệu quả; thanh quyết toán dự án công khai, minh bạch, các trạm dừng nghỉ cần nghiên cứu làm và triển khai; lưu ý đến đời sống của nhân dân nhường đất cho dự án; duy tu, bảo dưỡng kiểm tra, bảo vệ môi trường…

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay, qua nhiều mùa hoa ban, mang theo ước muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành hàng không Việt Nam, thực hiện lời hứa với Thủ tướng Chính phủ tại công trường, đến nay, sau 22 tháng quyết liệt triển khai, ACV đã hoàn thành đưa Dự án cảng hàng không Điện Biên.

"Mặc dù dự án không lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, cộng với 1.500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng do tỉnh Điện Biên nhịn ăn, nhịn mặc làm chủ đầu tư, nhưng thành quả ngày hôm nay đem lại niềm vui, niềm tự hào hết sức to lớn, nâng cao nhận thức của ACV trong việc thực hiện nhiệm vụ của một Tổng công ty nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao đối với hạ tầng Cảng Hàng không vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo", ông Thanh thông tin.

Khẳng định dự án được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc nói chung, ông Thanh nhấn mạnh việc khai thác các chuyến bay thương mại bằng các dòng tàu bay thế hệ mới Aibus A320, A321 tại Cảng Hàng không Điện Biên sẽ phá vỡ thế độc đạo đường bộ, đảm bảo kết nối bằng nhiều phương thức vận tải giữa Điện Biên với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế khác trên cả nước, đặc biệt là kết nối Điện Biên-Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối các tỉnh khu vực phía Nam với vùng Tây Bắc của Tổ quốc được thuận lợi.

z5004236782187_f353de00a29803949629ab6ecc9d1ccd.jpg
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Dự án đường Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ giai đoạn 1 kết nối với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai thuộc tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Tây được khởi công vào ngày 1/2/2021; có tổng chiều dài tuyến là 40,2km (trong đó địa phận tỉnh Tuyên Quang là 11,3km; địa phận Phú Thọ là 28,9km); tổng mức đầu tư 3.253 tỷ đồng.

“Việc hoàn thành dự án từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác của đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai,” ông Sơn nói.

z5004366405926_ffb47e018a81e3ab3067b4c73b545824.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương thực hiện nghi thức khánh thành tại điểm cầu Điện Biên.

Trong tương lai không xa, ông Sơn kỳ vọng, Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ cùng với Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang sẽ tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói chung.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ giai đoạn 1 đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, chiều dài 23km, được khởi công vào ngày 1/2/2021 tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng; Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,61km nằm trên trục Cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển nhưng bao đời nay vẫn là vùng đất chậm phát triển hơn so với các vùng khác. Đời sống người dân còn thấp. Ông Vĩnh cho rằng, nay với việc đưa cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác, sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua miền Tây; giúp vận tải, vận chuyển hàng hoá kết nối tốt hơn với các địa phương khác và cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân… Đây là cơ sở để ĐBSCL phát triển hơn trong thời gian tới, ông nhận định.

"Hôm nay, ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 là ngày đặc biệt, là tín hiệu cho sự tốt đẹp của ĐBSCL", ông tin tưởng.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

"Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực, nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM", ông Ngời nói.

z5004366399615_fde242394f9041f41b59a7976b8f46a0.jpg
Cầu Mỹ Thuận 2.

Theo ông, hai dự án này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về tỉnh Vĩnh Long. Hai dự án sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư,… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Ngời phấn khởi nói.

Với hạ tầng giao thông đang có, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, sắp tới tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực, để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật…

Đặc biệt là ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng, để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng cắt băng khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO