Ngày 9/7, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Hội nghị đồng thời cũng tổng kết kết quả thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW. Hội nghị được tổ chức tại 2 đầu cầu TP HCM và Văn phòng Chính phủ.
Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về vị trí, vai trò rất đặc biệt của Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, với diện tích chỉ chiếm 9,2% diện tích của cả nước nhưng dân số chiếm tới 22% cả nước (khoảng 21,9 triệu người) cùng đóng góp GRDP là hơn 35% cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách.
Dù dân số đông nhưng thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần trung bình cả nước và mức độ đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Thủ tướng khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của toàn vùng Đông Nam Bộ.
Từ kết quả đánh giá của Trung ương, Thủ tướng cho biết, Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục được đầu tư xứng tầm để tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế rất quan trọng của mình.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ban ngành, địa phương, các đại biểu chuyên gia, nhà nghiên cứu bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị để đánh giá khách quan, thẳng thắn, trung thực và hiến kế cho trung ương các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, Hội nghị tập trung nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ. Để từ đó đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá, các đề xuất kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đánh giá tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau 15 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được nhiều thành tự quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
15 năm đổi mới, 9 thành tựu đặc biệt
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị ghi nhận 9 thành tựu, trong đó có tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất của cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ hình thành được trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, với số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước. Nhờ vậy, toàn vùng hiện đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các hạn chế, yếu kém về chất lượng quy hoạch thấp; sự liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng chưa tốt; công nghiệp về cơ bản vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; ô nhiễm môi trường gia tăng;...
Điểm sáng nằm tại một số trụ cột như Bình Dương, TP HCM, với các phát huy thế mạnh về khoa học công nghệ, công nghiệp, dịch vụ.
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm của vùng Đông Nam Bộ và hiện nay cũng giữ vững được vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và hướng đến là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.
Dù vậy, ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng, trong giai đoạn mới để liên kết vùng và phát huy nội lực, lợi thế của cả vùng thì cần phải có một sách lược, chiến lược toàn diện, hiệu quả mới. Trong đó, người đứng đầu chính quyền TP HCM đề xuất hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc.
Nhất là, liên kết triển giao thông vùng, gồm đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối); đường thủy; đường sắt; Liên kết bảo vệ môi trường, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt, thích ứng biến đổi khí hậu; Liên kết phát triển nguồn nhân lực...
Đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng, gồm Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang cũng phát biểu tham luận đề xuất nhiều cơ chế, chủ trương, chính sách có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của toàn vùng trong thời gian tới, thể hiện đúng vai trò, vị thế cầu nối của cả nước để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.