Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế.
Ngày 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp (điểm cầu chính toà nhà Quốc hội) kết hợp trực tuyến kết nối với 37.000 điểm cầu với hơn 1,5 triệu đảng viên tham dự. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tới dự hội nghị tại điểm cầu chính còn có: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Xoá bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.
Thủ tướng cho biết, trong gần 40 năm qua, từ khi đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân đã được thể hiện rõ tại các văn kiện, văn bản. Kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Từ khoảng 5 nghìn doanh nghiệp năm 1990; đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng song khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia. Trong đó mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025 thì vẫn chưa đạt được; gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp, chỉ khoảng 21%. Chưa kể, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế.
Đề cập đến những nội dung chính của Nghị quyết 68-NQ/TW, Thủ tướng cho hay Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó nổi bật, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
“Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.
Ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính
Về nhiệm vụ, giải pháp, theo Thủ tướng, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ. Trong đó, nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay.
Cụ thể, như: đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, không phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo”.
Bên cạnh đó, là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ”, phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 10.000 giám đốc
Về nội dung chủ yếu của kế hoạch hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, Thủ tướng thông tin chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.
Trong đó giao các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung 11 Luật gồm: Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đấu thầu, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Phí và Lệ phí, Luật Thống kê, Luật Cán bộ công chức, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phá sản, Luật Thương mại, Luật Thanh tra.
Đồng thời giao các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí, điều kiện kinh doanh; quán triệt công chức, viên chức, người lao động đổi mới tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”; nghiêm cấm lạm dụng cơ chế “xin-cho”, hành vi bảo hộ cục bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Rút ngắn 30% thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp quyền sở hữu trí tuệ; các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương xác định phương án xử lý đối với nhà, đất là tài sản công cho doanh nghiệp thuê phục vụ sản xuất, kinh doanh. Giao Bộ Tài chính xây dựng, triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc điều hành trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu đến năm 2030 đào tạo được 10.000 giám đốc có kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.