Ngày 18/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia từ ngày 18-20/10.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Sau 33 năm thiết lập quan hệ và 14 năm thông qua tầm nhìn chung, đây là lần đầu tiên ASEAN và GCC tổ chức hội nghị cấp cao. Hội nghị là mốc quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức khu vực lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu đôi bên.
Quan hệ giữa Việt Nam và thành viên GCC đang phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước GCC đạt 12,5 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD. Nhiều công ty lớn của Saudi Arabia đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. 4.000-5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia.
Mặc dù vậy, dư địa hợp tác giữa Việt Nam với các nước GCC nói chung và với Saudi Arabia nói riêng còn rất lớn.
Chuyến công tác tới Vương quốc Saudi Arabia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia.
Qua đó, góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á và vùng Vịnh, thúc đẩy hợp tác, củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam - Saudi Arabia.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm cụ thể hóa việc triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; phát đi thông điệp cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.