35 ngày sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Nam Định, trong đó có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc.
Sáng 21/2, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh Nam Định đã nhận được Thông báo số 41/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 15/1.
“Tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình”
Theo nội dung văn bản Thông báo, sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận một số vấn đề. Trong đó, Thủ tướng đã có những đánh giá chung về đặc điểm, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Nam Định; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tỉnh trong năm 2022.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022. Đồng thời, chỉ ra những mặt còn hạn chế của tỉnh.
Thủ tướng nêu ra 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành đối với tỉnh Nam Định, trong đó nhấn mạnh quan điểm tỉnh phải: “Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng”.
Thêm rằng: “Công tác chỉ đạo, điều hành cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém”.
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nam Định tập trung thực hiện 12 nhóm nội dung, vấn đề.
Trong đó, “Bám sát đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết, chính sách pháp luật của Quốc hội, Chính phủ”.
Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng đường cao tốcNinh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng
Đặc biệt, Thông báo nêu rõ kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với 7 nội dung kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nam Định.
Trong đó, về việc sớm hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ.
Về việc bổ sung Quy hoạch cảng biển nước sâu tại huyện Nghĩa Hưng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định trong quá trình rà soát, hoàn thiện Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023.
Về việc bổ sung quy hoạch điện khí và điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định, Thủ tướng chỉ đạo đối với bổ sung phát triển điện gió ngoài khơi, giao Bộ Công Thương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Nam Định trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả chung cao nhất.
Về việc sớm triển khai đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Thủ tướng đánh giá đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng là trục giao thông chiến lược kết nối đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các địa phương, cảng biển Hải Phòng và cụm kinh tế động lực Đông Bắc của Tổ quốc. Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương có đường cao tốc đi qua. Vì vậy, các tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này. Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương có đường cao tốc đi qua, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất lúa sang đất phi nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo trước mắt, UBND tỉnh Nam Định tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm lấp đầy các khu công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các địa phương (trong đó có tỉnh Nam Định) để tổng hợp, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2023.
Về việc giải quyết vướng mắc tại Khu Công nghiệp Mỹ Trung, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý theo quy định.
Về việc hỗ trợ, xúc tiến, thu hút đầu tư Khu Công nghiệp Hải Long với diện tích 1.100 ha, Thủ tướng chỉ đạo trước mắt, UBND tỉnh Nam Định tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn. Trường hợp thấy cần thiết phải đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Hải Long, tỉnh Nam Định tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, vào ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi tặng quà, chúc tết công nhân, người lao động, gia đình chính sách tại tỉnh Nam Định; kiểm tra dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, dự án cầu qua sông Đào tại TP Nam Định. Vào trưa cùng ngày Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định.
Bỏ hoang Khu công nghiệp 13 năm
Liên quan đến những nội dung kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nam Định, theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, tại tỉnh Nam Định có Khu công nghiệp Mỹ Trung rộng 150 ha, nằm ở vị trí đắc địa ven Quốc lộ 10, qua địa bàn huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định nhưng lâm cảnh hạ tầng đầu tư dang dở, bỏ hoang phần lớn diện tích.
Theo đó, Khu công nghiệp này được UBND tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin, nay thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam) từ năm 2006, với tổng mức đầu tư khoảng 359 tỷ đồng.
Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, Công ty Hoàng Anh đã san lấp mặt bằng, đầu tư một phần các hạng mục hạ tầng, thu hút được một số nhà dầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính và việc thực hiện việc tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, từ năm 2010 Công ty Hoàng Anh đã dừng việc đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Trung, bỏ hoang phần lớn diện tích khu công nghiệp này đến nay đã 13 năm.
Đáng nói là, theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu công nghiệp Mỹ Trung của Công ty Hoàng Anh đang được thế chấp bảo đảm cho các tổ chức tín dụng: Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh tỉnh Nam Định; trong đó phần vốn vay của VFC là vốn từ nguồn Trái phiếu quốc tế và Chính phủ.
Vướng mắc trên đã “đẩy” chính quyền Nam Định vào thế “mắc kẹt”, không thể thu hồi lại dự án này. Trong nhiều năm qua, chính quyền tỉnh này đã nhiều lần kiến nghị các bộ ngành liên quan tháo gỡ để có thể chuyển giao Khu công nghiệp Mỹ Trung cho nhà đầu tư mới, phát huy hiệu quả của dự án đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Đến hiện tại, sau 17 năm được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, Khu công nghiệp Mỹ Trung vốn được chính quyền tỉnh Nam Định kỳ vọng trở thành khu công nghiệp thu hút được các dự án đầu tư có công nghệ cao, tạo nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh vẫn trong tình trạng hạ tầng đầu tư dang dở, 83 ha đất thương mại còn lại của khu công nghiệp bị bỏ hoang, để cỏ mọc.