Chiều 7/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.
Nêu rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhất là trách nhiệm tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là cuộc tiếp xúc cử tri lần thứ 25 trong 5 năm qua. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn tình cảm mà Thành ủy, UBND, HĐND, MTTQ thành phố, đặc biệt là nhân dân thành phố đã dành cho Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng và cá nhân Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nói: “Chúng tôi luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của ĐBQH mà nhân dân thành phố giao phó” và cho rằng, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng với ý thức trách nhiệm của mình, đã có nhiều hoạt động rất phong phú, xuất sắc, thực hiện đúng quy định pháp luật đối với người đại biểu nhân dân nhất là “tất cả các ĐBQH chúng tôi đều tổ chức tiếp xúc cử tri một cách nghiêm túc”. Thủ tướng nhớ lại câu chuyện một lần lỡ hẹn với cử tri Hải Phòng: “Buổi tối hôm đó, tôi đã xuống Hải Phòng để sáng ngày mai tiếp xúc cử tri thì hôm đó mưa lũ lớn, có khả năng vỡ đê sông Hoàng Long, Ninh Bình. Rạng sáng hôm sau, tôi đã rời Hải Phòng để về Ninh Bình, thị sát tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng vỡ đê, rất may trời dừng mưa, còn chỉ mấy phân nữa có thể gây vỡ đê Hoàng Long”.
“Lần đó, chúng tôi đã lỡ hẹn với bà con (cử tri Hải Phòng)” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Cho nên tôi muốn nói ý thức trách nhiệm dù cán bộ cấp nào, khi được nhân dân bầu ra với tư cách là người đại biểu nhân dân thì phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về lắng nghe tiếp xúc cử tri”.
Về thành quả của Hải Phòng trong 5 năm qua, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước quy mô kinh tế của thành phố Cảng khi đầu nhiệm kỳ chỉ chiếm 3,5% GDP cả nước và cuối nhiệm kỳ, con số này là trên 5,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 2 lần so với năm 2015. Đời sống nhân dân được nâng lên. Cơ sở hạ tầng có sự thay đổi rất lớn.
Thành phố Hải Phòng cũng làm tốt công tác phòng chống Covid-19, ngăn chặn mạnh mẽ 3 đợt dịch xuất hiện.
Nhấn mạnh thành quả của Hải Phòng rất đáng trân trọng, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, không được dừng lại vì nếu chủ quan sẽ phải trả giá trong phát triển. Hải Phòng cần phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, cao hơn nữa để thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đưa các lĩnh vực của thành phố có bước phát triển toàn diện hơn nữa, không được quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong phát triển.
Cho biết sắp tới đây sẽ có dự án lớn, nhiều tỷ USD ở Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh thành phố phát triển mạnh mẽ 3 trụ cột là: Kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, xây dựng Hải Phòng là một thành phố cảng quan trọng, điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia và là trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế. Phấn đấu là trung tâm giáo dục - đào tạo, kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ của cả nước; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp hài hòa với những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.
Xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống là “thành phố gương mẫu của nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở đô thị; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là nhà ở cho công nhân.
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những thành tựu quan trọng của đất nước trong 5 năm qua. Quy mô nền kinh tế từ thứ hạng 55 thế giới vào đầu nhiệm kỳ đã tăng lên thứ 44 trong năm qua, đứng thứ 4 khu vực ASEAN. Vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam được nâng lên.
Không chỉ kiểm soát bội chi ngân sách dưới 4% như Quốc hội yêu cầu, tỷ lệ nợ công so với GDP được giảm xuống, ở mức khoảng 55%, trong khi quy mô nền kinh tế tăng lên. Đây chính là dư địa để có thể tăng đầu tư phát triển đất nước. Nội lực của nền kinh tế tăng lên, trong đó dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay. Kim ngạch thương mại hai chiều đã ở mức 544 tỷ USD, năm qua xuất siêu đạt 20 tỷ USD. Cùng với đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân trong vùng và cả nước.