Ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng 11 tháng năm 2022 và những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được của Bạc Liêu trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu Bạc Liêu cần phải nắm rõ tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để có phương hướng, kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu Bạc Liêu cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ, ngành trong thời gian tới. Trong phát triển kinh tế, Bạc Liêu cần phát huy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trong đó gạo và tôm là chủ lực; nâng cao chất lượng chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm (OCOP); phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời; phát triển du lịch gắn với đờn ca tài tử. Tỉnh cũng cần phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực chất lượng, bồi dưỡng nhân tài và tạo việc làm cho lao động địa phương; chú trọng y tế, giáo dục…; phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, tỉnh nghiên cứu thành lập và phát huy thêm các trường nghề, đào tạo các ngành phù hợp, địa phương cần; tỉnh cũng phải phân cấp trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công các quy hoạch có tầm nhìn, tư duy, dài hạn trong đó khắc phục những yếu kém và phát huy những thế mạnh của địa phương.
Cần tập trung đẩy mạnh vốn đầu tư công; huy động các nguồn lực hợp tác đầu tư; rà soát, phân loại cụ thể các ngân hàng, các tổ chức tín dụng an toàn, bền vững để trên cơ sở đó nâng cao hạn mức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường.
Bạc Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số; tinh giản bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19; kiểm soát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong thời gian cao điểm. Đồng thời, cần phải đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Bạc Liêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bạc Liêu phối hợp với các Bộ, ngành để có hướng giải quyết và sớm triển khai trong thời gian sớm nhất đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, trong 11 tháng năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhưng tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu ước tăng 9,6%, đảm bảo kế hoạch đề ra. Công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển tốt, với 8 dự án điện gió tổng công suất 469 MW đang vận hành ổn định. Xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc; kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 779,16 triệu USD (tăng 10,18% so cùng kỳ).
Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép đầu tư cho 11 dự án (gồm 10 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 8.639 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 18,35 triệu USD). Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu; đã trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, đồng thời kêu gọi đầu tư 195 dự án trên hầu hết các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.100 tỷ đồng, đạt gần 126% dự toán (tăng 10,67% so cùng kỳ). Tổng chi ngân sách ước 8.426 tỷ đồng, đạt 112,13% dự toán (bằng 95,19% so cùng kỳ). Tổng huy động vốn của các ngân hàng ước đạt 27.300 tỷ đồng, tăng 5,18% so với năm 2021, tổng dư nợ cho vay ước đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 11,78% so cùng kỳ; nợ xấu ước 580 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng dư nợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng và Đoàn công tác 9 nội dung. Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của tỉnh giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000 MW (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi), để phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh theo quy hoạch của Bộ Công Thương. Sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu đi Thốt Nốt, Cần Thơ; đồng thời chấp thuận đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục các dự án đầu tư được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII; trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn đường cao tốc từ nút giao IC6 ra đê biển Bạc Liêu (thuộc quy hoạch cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu); xem xét cho tỉnh đầu tư Dự án “Đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu sử dụng vốn vay nước ngoài”; quy mô dài 60,5 km kết nối từ Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; dự kiến thời gian thực hiện đến năm 2030. Tổng mức đầu tư 3.441 tỷ đồng (chi phí xây dựng 1.987 tỷ đồng; chi phí GPMB 695 tỷ đồng, các chi phí khác và dự phòng phí 759 tỷ đồng); bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; thực hiện thủ tục đất đai tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Ngoài ra Bạc Liêu còn kiến nghị và đề xuất Thủ tướng và Đoàn công tác tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác) áp dụng đối với phần diện tích đất đã có trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép tỉnh Bạc Liêu được sử dụng nguồn đất dôi dư (trong nạo vét kênh mương, cải tạo ao nuôi tôm…) để phục vụ cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng mới thoát nghèo ở địa phương.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã sát công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ – Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thẩm định Phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thiết kế và bàn giao hồ sơ và cọc mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương để thực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo bố trí đủ vốn cho địa phương để tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định; phối hợp với địa phương trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tiếp nhận mặt bằng sạch để tổ chức thi công dự án.
Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý Dự án chuẩn bị đầu tư tốt, thẩm định khách quan, phê duyệt kịp thời, lựa chọn nhà thầu chính xác, không chia nhiều gói thầu và phải có tổng thầu; đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Đồng thời, tiếp tục triển khai các tuyến đường kết nối ngang với tuyến đường chính, bố trí các nút giao phù hợp để tạo không gian phát triển mới, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của tuyến đường. Các Bộ ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình, chủ động phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), chủ yếu là về thủ tục đầu tư, về bố trí vốn, về xử lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, về hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đủ cơ sở để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp nhận hồ sơ, cọc mốc giải phóng mặt bằng từ Chủ đầu tư; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng, bố trí tái định cư và di dời các công trình hạ tầng trong phạm vi dự án theo quy định hiện hành.
Tổ chức bàn giao mặt bằng sạch đã được bồi thường giải phóng mặt bằng cho Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thi công dự án; chỉ đạo các Sở ngành thông báo giá vật liệu xây dựng và chỉ số giá kịp thời, phù hợp với thực tế; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong suốt quá trình triển khai dự án và kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và các nội dung khác theo trách nhiệm của địa phương.