Chiều ngày 31/8, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công xây dựng 2 gói thầu quan trọng nhất của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Dự lễ còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), 2 gói thầu quan trọng nhất của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 gồm gói thầu thứ nhất (số 5.10) thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách với giá trị hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây là gói thầu xây dựng nhà ga hành khách có giá trị lớn và có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay. Theo ACV, đây được xem là “trái tim” của sân bay Long Thành. Nhà ga được thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu các phần như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.
Gói thầu thứ hai (số 4.6) xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay với giá trị đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố tỉ mỉ, chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, tương đương với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết, nhà ga hành khách được đánh giá rất hiện đại, sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành. Đây là công trình quan trọng nhất của dự án sân bay Long Thành. Để triển khai nhà ga hành khách, trước đó gói thầu móng cọc nhà ga đã hoàn tất, còn gói thầu san nền và thoát nước trên mặt bằng hơn 1.800 ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cũng được tăng tốc để hoàn thiện. Theo hợp đồng, gói thầu này kéo dài 38 tháng nhưng dự kiến về đích sớm hơn 4 tháng, tức là sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành có tổng diện tích thực hiện khoảng 5.000 ha, trong đó, giai đoạn 1 dự án có diện tích hơn 2.500 ha; khái toán cho toàn bộ dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD); công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là hai dự án đặc biệt lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước nói chung. Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Liên quan đến “đại dự án” sân bay Long Thành, trước đó, sáng ngày 25/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (ACV).
Sau hơn ba năm rưỡi, toàn hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai đã tích cực, quyết liệt trong khâu tổ chức thu hồi diện tích đất rất lớn. Nhờ vậy, Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ diện tích đất 2.532 ha giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành (đạt 100%). Đây cũng là điều kiện tiên quyết để 2 gói thầu quan trọng nhất của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 chính thức được bấm nút khởi công hôm nay (31/8).
Chiều cùng ngày, ACV cũng đã khởi công gói thầu số 12 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp song song tại hai đầu cầu sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, dự án gồm 3 hạng mục chính gồm: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.
Cụ thể, hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.
Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 02 tầng hầm, 2 tầng hầm chung, 2 khối phức hợp thương mại văn phòng 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm 2 tầng hầm) là 130.000 m2.
Hệ thống đường tầng trên cao ở 2 cao trình nhà ga gồm: Tầng 2 có quy mô từ 2-3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m; Tầng 3 có quy mô từ 2-5 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m.
Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến gói thầu sẽ được thi công trong 600 ngày, hoàn thành đưa vào chạy thử vào đầu quý II/2025.