Theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể mới của Omicron (chủng BA.5).
24 ngày qua, cả nước không ghi nhận ca tử vong
Ngày 5/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát. Số ca mắc mới, tử vong giảm sâu. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần khoảng 600 ca/ngày, số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước, 24 ngày qua cả nước không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể mới của Omicron (chủng BA.5), nhất là tại Châu Âu. Hiện biến chủng virus mới này đã có mặt tại Việt Nam.
Về tình hình tình tiêm vaccine, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đã tiêm được hơn 231 triệu liều. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 66,7% và 25,7%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,4% và 7,2%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 50,9% và 17,4%. Việc tiêm vaccine đang có dấu hiệu chững lại, chậm hơn so với tiến độ đề ra.
Theo Bộ Y tế: Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Âu khuyến nghị việc duy trì các biện pháp như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.
Do đó, Bộ Y tế lưu ý các bộ, ngành cần chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh. Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội; Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh hơn nữa thông tin, truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19. Chuyển tải thông điệp mới (V2K) rõ ràng, dễ hiểu để người dân yên tâm và không chủ quan, lơ là.
Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, những diễn biến mới, khác, những điểm phức tạp, những kết quả đạt được, những mặt chưa được, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp để tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19 thời gian tới.
Nhắc tới vừa qua đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ ở trong nước vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Thủ tướng cũng nhắc đến tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo.
“Phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
“Kinh nghiệm xương máu” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội”-Thủ tướng nêu rõ, và đề nghị cần thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân khiến có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tốc độ tiêm vaccine chưa đạt mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.