Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị chu đáo, chăm lo Tết cho nhân dân

Việt Thắng 01/12/2022 18:06

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.

Chiều 1/12, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, Chính phủ, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế xã hội nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt.

Ông Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi họp báo.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ.

Ông Sơn cũng cho hay, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023, như IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu”, dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN.

Ông Sơn cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thông tin, các thành viên Chính phủ cho rằng nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.

Từ hình hình trong nước, khu vực và quốc tế, theo ông Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát; bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

“Thủ tướng nhấn mạnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định, hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành”-ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỷ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Cùng với đó, thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.

“Thủ tướng cũng yêu cầu, có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với các vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống người dân. Chuẩn bị chu đáo công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho nhân dân, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp cuối năm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới bảo đảm tiến độ và chất lượng”-ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị chu đáo, chăm lo Tết cho nhân dân