Ngày 26/3, tại họp báo quý I/2024, Bộ Công an đã thông tin một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc; việc đấu giá biển số xe, trong đó có đấu giá biển số xe máy.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 91 người, bị thương 172 người.
Theo Thiếu tướng Mừng tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính: Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc; Hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nhiều tuyến đường không có giải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp…
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, lực lượng CSGT đã tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATGT trên cao tốc, với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là nghiêm cấm việc can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.
Cục CSGT cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương tiến hành rà soát phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc. Kiến nghị Ngành giao thông đã khắc phục xong 77 mục; 21 mục đang thực hiện trong năm 2024; tổ chức rà soát, phát hiện 58 điểm phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ TNGT để kiến nghị địa phương khắc phục, xử lý.
Ông Mừng cho biết, trong thời gian tới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TTATGT trên các tuyến cao tốc, Cục CSGT sẽ nghiên cứu đánh giá khách quan, khoa học, học hỏi kinh nghiệm quốc tế việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc ở Việt Nam... để tham mưu cho Bộ Công an, tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đảm bảo TTATGT hiệu quả nhất, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến cao tốc.
Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe máy của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng chia sẻ: Trong thời gian qua, thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, Cục CSGT đã triển khai hơn 90 ngày đấu giá, thu về hơn 1.500 tỷ để nộp ngân sách nhà nước. Liên quan đến việc đấu giá biển số xe máy, qua việc đấu giá biển số ô tô, nếu như triển khai mở rộng việc đấu giá biển số xe máy sẽ không phát sinh thêm chi phí, nhân lực. Theo quan điểm của Thiếu tướng Mừng, nếu việc đấu giá biển số có lợi cho nhà nước, có lợi cho người dân thì nên đưa biển số xe máy vào đấu giá.
Bổ sung làm rõ vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết: Nghị quyết 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội cho phép thí điểm việc đấu giá biển số xe ô tô, qua 6 tháng triển khai thực hiện đã đem lại nhiều lợi ích cho nhà nước và người dân, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, công khai minh bạch trong lựa chọn biển số theo nhu cầu, đem lại nguồn thu lớn cho Nhà nước… đã cho thấy được giá trị của việc đấu giá biển số xe ô tô.
Mặc dù Nghị quyết 73 cho phép thí điểm đấu giá biển số xe ô tô trong 3 năm, nhưng đến thời điểm này chúng ta đã thấy được giá trị của Nghị quyết mang lại.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, thời hạn thí điểm Nghị quyết 73 đến năm 2026, nếu đến lúc đó chúng ta mới đánh giá 3 năm thí điểm Nghị quyết 73 thì Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có hiệu lực, nếu muốn đưa nội dung đấu giá biển số xe vào trong luật sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian. Hiện nay, cơ quan soạn thảo luật đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung về đấu giá biển số ô tô, mô tô, xe máy vào Điều 37 của dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đây là chủ trương đúng, đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và người dân.
Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất nội dung thành lập Quỹ giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết: Đây là nội dung mới, hàng năm TNGT đường bộ gây hậu quả rất lớn, thiệt hại về con người, cơ sở vật chất, hạ tầng… Vì vậy mục tiêu chúng tôi đưa nội dung này vào để có nguồn quỹ chi trả cho nạn nhân, gia đình nạn nhân, chi trả cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại TNGT… Mục tiêu của quỹ rất nhân văn và đã được các bộ, ban, ngành đồng thuận… Nội dung này chúng tôi đã tham khảo, nghiên cứu ở nhiều nước, cơ bản các quốc gia đều có quỹ này, nguồn hình thành là do đóng góp của các tổ chức, cá nhân tài trợ.