Mới đây, tại hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên, việc các giáo viên ngại thay đổi sẽ ảnh hưởng đến thành công của việc đổi mới giáo dục phổ thông...
Dạy học, nghề đặc thù đòi hỏi phải có kĩ năng truyền thụ kiến thức. Ảnh: giaoduc.vn
Kỹ năng và động lực giảng dạy
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, với yêu cầu giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới, nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện nhưng nhận thức về thực trạng và các chính sách cụ thể trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông vẫn còn phân tán và có nhiều ý kiến khác nhau.
Chia sẻ về các xu hướng cải cách giáo dục toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam, Tiến sĩ Keiko Inoue- chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có kết quả PISA 2015 nằm trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu. Đây là điều đáng ngạc nhiên đối với thế giới. Tuy nhiên, theo bà Keiko Inoue, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều thách thức không dễ vượt qua, tỷ lệ học sinh hoàn thành THPT vẫn thấp, chỉ đạt 57% vào năm 2015; học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn đang dành thời gian học cả ngày ở trường, nhưng điều này cũng không đồng đều.
Bên cạnh đó, giáo viên cần phải có đủ kỹ năng và động lực để giảng dạy. Hiện ở Việt Nam lương giáo viên chủ yếu dựa trên thâm niên. Cần có cơ chế lương thưởng đơn giản hơn, không nên quá phụ thuộc vấn đề thâm niên mà theo khối lượng công việc giảng dạy. Cùng với đó, bảo đảm cho học sinh được thúc đẩy, khuyến khích học tập ngay từ những năm đầu đời.
Về chất lượng giáo viên, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, điều kiện để đổi mới giáo dục phổ thông phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên nhưng đội ngũ giáo viên còn nhiều yếu kém; một bộ phận giáo viên ngại chuyển đổi từ cách dạy cũ sang cách dạy mới; giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ nhiều nơi.
Ông Phạm Văn Hùng kiến nghị, khẩn trương đào tạo giáo viên còn thiếu; sớm bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên với từng loại giáo viên. Đặc biệt, muốn đổi mới giáo dục phổ thông thành công thì phải quy định về sĩ số lớp theo hướng giảm xuống.
Ông Tạ Quang Sum (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng cho rằng đổi mới giáo dục phổ thông thì giáo viên là quan trọng nhưng thực trạng hiện nay là nhiều giáo viên rất ngại thay đổi, sợ đụng chạm lợi ích cá nhân.
Thầy cô giáo trong quá trình dạy học hầu như phải và chỉ cần nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa. Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết để vinh thăng nghề dạy học. Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên và học sinh. Cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì.
Điểm yếu của phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay là thói quen truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều, dẫn tới việc học sinh thụ động ghi nhớ kiến thức máy móc, ít khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Học dường như chỉ để phục vụ các kỳ thi. Vì vậy, theo yêu cầu mới, các trường sư phạm sẽ phải đổi mới đào tạo để cung cấp đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được nhiệm vụ.
Học không chỉ để thi
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục phổ thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng muốn đổi mới phải giải quyết được 3 vấn đề cơ bản là chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng việc thực hiện các mục tiêu chất lượng giáo dục phổ thông vẫn còn hạn chế. Cụ thể, mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng, chênh lệch vùng miền, năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Cũng theo bà Nghĩa, một bộ phận học sinh hiện nay yếu về biểu hiện đạo đức, lối sống, năng lực giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức khó khăn.
Trong khi đó, điểm yếu của phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay là thói quen với phương pháp dạy học truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều dẫn tới việc học sinh thụ động ghi nhớ kiến thức máy móc, ít khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Học dường như chỉ để phục vụ các kỳ thi. Vì vậy, theo yêu cầu, các trường sư phạm sẽ phải đổi mới đào tạo để cung cấp đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được nhiệm vụ trong tương lai.
Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An, cho rằng: “Chỉ có khoảng 60% giáo viên đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 20% giáo viên khá giỏi. Có khoảng 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp”. Theo ông Anh, chương trình hiện nặng lý thuyết, dạy và học ngoại ngữ yếu kém, nhiều giáo viên chưa tâm huyết với nghề. “Bản thân giáo viên nếu có tâm huyết trong tổ chức thực hành, thí nghiệm cho học sinh cũng không hoàn thành tốt công việc bởi trong trường sư phạm họ cũng chưa được đào tạo”- ông Anh nói.
Ông Anh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chương trình phổ thông hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế là do sách giáo khoa ôm đồm, dàn trải và học sinh phải học quá nhiều môn học cũng như có sự yếu kém về công tác quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Trong khi thực tế tại nhiều trường, đội ngũ giáo viên tuổi cao, năng lực thấp, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu khá nhiều. Học sinh thường ít hứng thú với những bài giảng theo lối mòn, thiếu sáng tạo và thiếu sự tương tác.
Ông Tạ Quang Sum, cho rằng, bên cạnh đổi mới nội dung, cũng cần thay đổi phương pháp dạy học, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ cách dạy ngoại ngữ. Theo ông Sum, hiện nay, học sinh cần được hội nhập, cần có ngôn ngữ thứ 2 nhưng thực tế dạy học hiện nay chỉ để phục vụ thi cử.
Thầy trò chỉ tập trung giải đề thi, luyện thi mà quên trang bị cho học sinh phương tiện để giao tiếp. Giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên, theo ông Sum cần nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là quản lý hoạt động dạy bằng các chế tài trong đó quy định giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với bối cảnh sư phạm đa dạng.