Trong tổng số 23 VĐV Việt Nam dự Olympic 2016, có rất nhiều người phải “đơn thương độc mã” tranh tài tại Brazil. Trong khi đó, đoàn TTVN lại rất nhiều cán bộ sang dự Thế vận hội, trong vai trò một nhà quản lý.
Điều đáng nói là ở một giải đấu khốc liệt, có tính cạnh tranh cao như Olympic, VĐV cần HLV để chỉ bảo về chuyên môn hay cần người đi làm thủ tục hành chính lo chuyện giấy tờ, thủ tục? Câu hỏi mà cũng là trả lời!.
Trong danh sách đoàn TTVN dự Olympic 2016 (23 VĐV, 27 cán bộ đoàn), rất bất ngờ khi Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang (cầu lông) không có HLV đi cùng. Người được giao nhiệm vụ hỗ trợ họ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ, nguyên là HLV…điền kinh.
Võ sĩ judo Văn Ngọc Tú cũng không có HLV đi cùng. Được biết, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng sẽ là HLV bất dắc dĩ của Ngọc Tú.
Tương tự là trường hợp của bộ đôi Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng (vật) đã không có chuyên gia người Gruzia- Fridon, đi cùng. Thay vào đó là Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thế Long, người thường lo công việc quản lý hành chính.
Kiếm thủ Đỗ Thị Anh của đội tuyển đấu kiếm quốc tế cũng không có chuyên gia người Hàn Quốc Ko Jin đi theo hỗ trợ công tác chuyên môn.
Đoàn TTVN có 23 VĐV, nhưng lại có tới 27thành viên đi cùng bao gồm các HLV, chuyên gia, lãnh đội, bác sĩ, cán bộ chuyên môn... Trong khi một số VĐV không có thầy, thì bơi lội đã có HLV trưởng Đặng Anh Tuấn đi cùng, nhưng trưởng bộ môn Đinh Việt Hùng cũng có tên trong thành phần đoàn.
Các VĐV khi bước vào thi đấu rất cần những người hiểu mình, làm công tác tốt về tư tưởng cũng như hỗ trợ về chuyên môn, tìm hiểu thông tin về các đối thủ. Khi có thầy ruột, các VĐV chắc chắn sẽ yên tâm hơn, thay vì thi đấu trong áp thành tích với người đứng đầu bộ môn, Liên đoàn hay ông Giám đốc trung tâm…
Với thành phần cán bộ đông hơn VĐV, nhiều người cũng nói rằng đoàn TTVN đi dự Olympic nhưng cũng tranh thủ đi… du lịch. Đây là câu chuyện có lẽ không chỉ của riêng ngành thể thao.