Bạch Mã- ngọn núi ảo ảnh như suy tưởng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hy vọng sẽ sớm trở thành khu nghỉ mát độc đáo bên bờ biển Đông của Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị.
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương; Chủ tịch Hội KTSVN Nguyễn Tấn Vạn; Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính và sự tham dự của các Vụ, Viện nghiên cứu của Trung ương, các nhà nghiên cứu ở Huế, sáng ngày 13/10, Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị góp ý cho Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã.
Bạch Mã là 1/7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và là 1/3 khu du lịch đặc biệt: Sa Pa - Bạch Mã - Đà Lạt của Việt Nam. Với diện tích gần 37.000 ha, đỉnh cao 1.450 m, Bạch Mã hội đủ điều kiện để quy hoạch khu du lịch sinh thái nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, thực vật phong phú ( 2.373 loài), động vật 2.151 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Năm 1942 tại đây đã có 139 căn biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Chiến tranh, thời gian đã làm cho Bạch Mã suy tàn. Từ năm 2.000 đến nay dù rất cố gắng nhưng Bạch Mã hiện đang phát triển ở quy mô nhỏ (năm 2018 ước chỉ đón được 2 vạn khách) do thiếu quy hoạch và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Sau gần 4 năm tiến hành với sự hỗ trợ của những chuyên gia tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế các khu du lịch trên thế giới, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã hình thành từ ý tưởng của Công ty Wimberly Allison Tong (Hoa Kỳ) và do Công ty Inros Lackner (Đức) triển khai.
Núi Bạch Mã.
Sau khi nghe ông Tosten, Chủ tịch Inros Lackner Việt Nam trình bày đồ án; theo đó Khu A (dự kiến đặt ở khu vực khe Su rộng gần 65 ha) sẽ là nơi dùng để đón tiếp du khách và đặt nhà ga cáp treo và Khu B- nơi triển khai Khu du lịch sinh thái nằm ở đỉnh Bạch Mã có quy mô chừng 300 ha. Để nối khu A-B là hệ thống cáp treo dài trên 4.000 m do đại diện của Hãng cáp treo POMA ( Pháp) thiết kế.
Góp ý cho đồ án phần lớn các đại biểu đều ủng hộ xây dựng Bạch Mã trở thành khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng xứng tầm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị chủ đồ án lưu ý đến vấn đề “sức chứa”, nếu vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Do đồ án tập trung cho khu A nên có ý kiến đề nghị cần lưu tâm đến khu B, tạo điều kiện cho tầng lớp bình dân có cơ hội đến với Bạch Mã.
Về kiến trúc, ngoài chọn lọc, tôn tạo những căn biệt thự đẹp, tiêu biểu cho kiến trúc Pháp, đề nghị cần có định hướng kiến trúc nhằm tạo nên vẻ đẹp mới cho kiến trúc Bạch Mã.
“Đứng ở Vọng Hải đài, mùa hè ta có thể vừa đón gió núi và cả gió biển. Đây cũng là nơi nhìn được biển Đông, đầm Cầu Hai và có thể nhìn vào Đà Nẵng”.
Bạch Mã- ngọn núi ảo ảnh như suy tưởng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hy vọng sẽ sớm trở thành khu nghỉ mát độc đáo bên bờ biển Đông của Việt Nam.