Gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng được đánh giá cao, đặc biệt với người vay và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Đối với những doanh nghiệp đã có sẵn dự án, sẵn quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, con số giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% so với mặt bằng lãi vay thương mại trên thị trường cho khoản vay vài trăm tỷ đồng là một con số đáng kể, có ý nghĩa trong lúc này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng mức lãi suất 8,2%/năm vẫn quá cao so với khả năng của người thu nhập thấp.
Đến nay cả nước đã có 253 dự án nhà ở dành cho công nhân, nhưng mới chỉ có 112 dự án hoàn thành. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân vẫn đang gặp một loạt khó khăn về vốn vay, về cơ chế, chính sách...
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng, nhà ở cho công nhân lao động thiếu hụt nặng nề so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Công nhận lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Hiện nay, TP Hà Nội có 3 khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (25 tuổi), đang làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long chia sẻ, chị đang ở trọ cùng 2 người nữa trong một căn phòng 15 m2 ở tại Đông Anh, Hà Nội. Trong căn nhà trọ, tính ra chỉ có một chiếc giường được ghép lại từ các tấm gỗ. Giá thuê 1 triệu đồng/ phòng, giá tiền nước là 25.000 đồng/ khối, tiền điện 4.000 đồng/số… “ Lương công nhân làm ca kíp cũng chỉ được 9 triệu đồng/tháng nên thuê ở cùng nhau cho tiết kiệm chi phí” – chị Thuỷ chia sẻ. Tại khu vực dân cư KCN Bắc Thăng Long như ở Thôn Hậu Dưỡng, Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), các dãy nhà trọ được xây dựng nhiều để phục vụ nhu cầu thuê trọ của công nhân lao động.
Vợ làm việc ở khu công nghiệp Quang Minh ( huyện Mê Linh – Hà Nội), chồng làm việc ở một công ty tư nhân về cung ứng thiết bị trường học ở Cầu Giấy, gia đình anh chị Nguyễn Thuỳ Hương – Nguyễn Ngọc đang thuê nhà ở Cổ Nhuế cho biết, ở nhà trọ diện tích nhỏ hẹp, sinh hoạt rất bất tiện. “Tôi phải gửi con nhỏ cho bà nội ở Bắc Ninh trông, cuối tuần mới về với con. Mong ước của vợ chồng là có căn nhà nhỏ để đón con ở cùng. Tôi mong muốn có gói hỗ trợ người lao động mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp” – anh Ngọc mong mỏi.
Tại sao lại ế?
Để hiện thực hóa đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội đã được triển khai từ ngày 1/4 vừa qua.
Tại hội nghị trực tuyến về nội dung phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây , ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho hay: Tính từ thời điểm triển khai đến nay đã gần 2 tháng nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa phát sinh dư nợ.
Nội dung khi triển khai gói lãi suất 120.000 tỷ đồng này đã xác định, lãi suất cho vay hỗ trợ sẽ thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) trong từng thời kỳ.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 quy định mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, theo đó lãi suất là 4,8%/năm trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2024...
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao thị trường khát nhà ở xã hội nhưng tiền để cho vay xây dựng phân khúc này lại ế? Ông Bắc nêu, khó khăn, vướng mắc về giải ngân nhà ở xã hội liên quan đến nguồn cung. Cụ thể như: lựa chọn chủ đầu tư; quỹ đất; ưu đãi dành cho chủ đầu chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán; quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng...
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước phải giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn. Nếu các quy trình, thủ tục được xử lý nhanh gọn hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với những chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhằm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế từ việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư...
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trước mắt phải khẩn trương giải quyết các vấn đề về pháp lý liên quan đến nhà ở xã hội. Tạo mọi điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào xây dựng phân khúc nhà ở này. Phải tháo gỡ để chủ đầu tư thực sự mong muốn tham gia, lúc đó nguồn cung mới tăng lên.