Xác định mô hình doanh nghiệp tư nhân là quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện cả nước mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp, tức bằng 2/3 mục tiêu đề ra.
Chỉ khoảng 1/3 hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế
Số liệu báo cáo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Nhưng chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế (đóng góp chỉ khoảng 1,6% cho ngân sách nhà nước, thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực tế). Còn khoảng 3,3 triệu hộ kinh doanh vẫn chưa đăng ký kinh doanh, gây thất thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo đại diện Cục Thống kê (Bộ Tài chính) khu vực hộ kinh doanh cá thể tạo ra khoảng 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu mỗi năm, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động.
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải nhỏ, thủ công mỹ nghệ và sản xuất hộ gia đình. Việc thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) được xem là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu có thêm 1 triệu DN vào năm 2030. Cùng với đó, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cùng hệ sinh thái kinh doanh đồng hành với hộ kinh doanh sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra mạnh hơn và phát triển bền vững.
Về thực trạng này, giới chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định: Xuất phát từ việc mức thuế khoán cho các hộ kinh doanh thường thấp hơn thực tế doanh thu, vì vậy, các hộ kinh doanh lo ngại khi chuyển lên DN, mọi hoạt động kinh doanh phải minh bạch và rõ ràng hơn, dẫn đến khả năng phải chịu mức thuế cao hơn. Bên cạnh đó, không như DN, hộ kinh doanh sẽ không phải thực hiện các thủ tục phức tạp như báo cáo kế toán và báo cáo thuế, giúp họ tiết kiệm thời gian, cũng như công sức. Đặc biệt, hộ kinh doanh thường không phải đối mặt với việc thanh tra kiểm tra thuế hằng năm như DN…
Thực tế cho thấy, đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ chuyển đổi thành DN. Chẳng hạn, hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN sẽ được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí... Tuy nhiên, cho đến nay, việc thúc đẩy hộ kinh doanh lớn lên thành DN vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thậm chí, có những hộ kinh doanh đã chuyển lên DN, nhưng sau khoảng thời gian được hưởng ưu đãi thuế lại quay về mô hình hộ kinh doanh để được đóng thuế khoán đơn giản theo từng tháng và ở mức rất thấp.
Nhiều chính sách ưu đãi
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chuyển đổi hộ kinh doanh nhỏ lẻ lên DN là hết sức cần thiết góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ông Hiếu đề xuất cần miễn thuế 3 năm cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DN. Để chính sách thực sự hiệu quả, cần có lộ trình cụ thể, công khai chương trình giúp hộ kinh doanh hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, việc triển khai các khóa đào tạo chuyên biệt về quản trị DN, thuế, kế toán và pháp lý sẽ giúp các hộ kinh doanh thích nghi nhanh chóng với mô hình DN.
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chuyển đổi giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đề xuất miễn thuế 3 năm cho hộ kinh doanh chuyển đổi.
Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng kiến nghị áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập DN trong 3-5 năm đầu tiên cho các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi. Ông Lực nhấn mạnh việc đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính: Không cần hội đồng quản trị, ban kiểm soát hay kế toán trưởng, mà chỉ cần hỗ trợ họ về sổ sách, kế toán và quản trị. Phát triển phần mềm hỗ trợ hộ kinh doanh trong việc khai báo thuế, quản lý thu chi một cách đơn giản và thuận tiện, giúp họ nhanh chóng thích nghi với mô hình doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều hộ kinh doanh lo ngại khi phát triển lên DN phải chịu thêm các khoản chi phí như bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, chi phí kế toán, phần mềm hóa đơn, kiểm toán… tạo áp lực tài chính không nhỏ. Chính vì vậy, nếu không có cải cách mạnh mẽ về quy định đối với mô hình DN cá thể thì các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn thuế sau chuyển đổi sẽ chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần. Đồng thời, đề xuất phân quyền đăng ký DN xuống cấp xã, nơi gần gũi nhất với hộ kinh doanh. Như vậy, để giảm chi phí tuân thủ, đồng thời điều chỉnh chính sách thuế sao cho phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.