Học nghề để có việc làm ngay là mong muốn của nhiều phụ huynh và học sinh. Vì vậy việc tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp thực sự là mô hình cần được nhân rộng.
Đảm bảo đầu ra
Mới đây, Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ Thủ Đức - TP HCM đã tổ chức ký kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp năm 2022, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, kinh doanh, kế toán, du lịch và ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lê Văn Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Kỹ thuật điện AZE cho biết, doanh nghiệp đã có nhiều năm hợp tác với các trường ĐH, CĐ, trong đó có Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, để cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn trong lĩnh vực điện và tự động hóa. Bên cạnh đó, Công ty ZAE cũng tiếp nhận mỗi năm hàng trăm sinh viên thực tập. Theo ông Hiệp, sau mỗi kỳ thực tập, công ty đã giữ lại hàng chục sinh viên làm việc chính thức.
Ông Đinh Văn Đệ - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng - TP HCM thông tin, nhà trường có mối quan hệ với trên 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Thời gian qua, trường hướng đến việc cho học sinh học song hành ở các doanh nghiệp. Nhà trường dạy lý thuyết, các cơ sở chịu trách nhiệm cho học sinh thực hành. Theo ông Đệ, nhà trường cam kết sau khi tốt nghiệp, sinh viên được giới thiệu việc làm 100%. Khi ra trường, các em có thể đảm nhận công việc tại các công ty, doanh nghiệp, nhà hàng… theo mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra. Thực chất, khi các em đi thực tập tốt nghiệp thì doanh nghiệp đã nhận các em rồi.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Với sự hỗ trợ của Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, từ quý I/2022, Công ty Fclass Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác với Trường Trung cấp Bách nghệ TP HCM và xúc tiến việc thành lập chi nhánh Fclass tại trường. Ông Hứa Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Fclass Việt Nam cho biết, công ty sẽ đặt chi nhánh ngay tại trường và nhân sự là giáo viên, sinh viên của trường. Sự kết hợp này vừa giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động, vừa làm cơ sở cho học viên của trường học nghề, rèn luyện kỹ năng bằng chính công việc thực tế, trải nghiệm nghề nghiệp ngay trong giai đoạn học tập và có thu nhập để theo đuổi việc học.
Hay mới đây, việc ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn Sun Group, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và một số đơn vị GDNN trên địa bàn thành phố được coi là luồng gió mới mạnh mẽ, hỗ trợ các nhà trường đúng thời điểm hướng nghiệp đào tạo nghề cho học viên, sinh viên, khi nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp cùng bắt tay. Bà Trần Thị Mỹ Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ cho biết, tham gia mô hình “3 nhà” bắt tay đào tạo nghề lần này, nhà trường vừa bám sát được chủ trương, chính sách của nhà quản lý, vừa nắm rõ nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp để đưa ra định hướng nghề nghiệp phù hợp cho sinh viên, có giải pháp đào tạo sát thực, cung cấp nguồn lao động bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực cho rằng, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là việc cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động hơn trong việc liên kết, hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập cho học sinh. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng.
Báo cáo của Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) cũng khẳng định, một trong những thành công năm 2021 của ngành là đã kết nối doanh nghiệp tương đối tốt, có những trường nghề ký kết hợp tác với 70-80 doanh nghiệp. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển hướng đào tạo theo hướng giảm tải lý thuyết, tăng cường thực hành.