Thứ Tư, 22/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa chính thức triển khai chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc. Theo đó, đối tượng thu hút là các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc, ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài), có mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) mà nhà trường định hướng nghiên cứu ưu tiên.
Nhiều chính sách thiết thực
Ngoài các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước và ĐH Quốc gia Hà Nội, các nhà khoa học được đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN từ 3 tỷ đồng trong 3 năm và được đề xuất đầu tư tăng cường năng lực để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Hơn 40 hướng nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn được ưu tiên thu hút gồm: KHCN vật liệu và năng lượng, KHCN sự sống, Khoa học và công nghệ trái đất và môi trường… Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng để mở các lĩnh vực khoa học khác theo đề xuất của nhà khoa học.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cũng có những đầu tư mạnh để thu hút nhân lực chất lượng cao, các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút giảng viên chất lượng, có uy tín. Đơn cử, Học viện Hàng không sẽ hỗ trợ 100-150 triệu đồng đối với mỗi cán bộ, giảng viên có học hàm tiến sĩ trở lên khi về học viện công tác. Đồng thời thu nhập tăng thêm hàng tháng cho cán bộ, giảng viên có học vị từ thạc sĩ trở lên được cộng thêm từ 3-12 triệu đồng/tháng.
Theo các chuyên gia, chiến lược “chiêu hiền, đãi sĩ” để thu hút nhân sự giữa các trường ĐH, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới trong đó nâng cao thu nhập là một giải pháp quan trọng. Dẫu vậy, về lâu dài, để giữ chân người tài cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó có có việc tạo điều kiện để phát triển nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Hiện nay, nhiều trường đã tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, kinh phí phục vụ nghiên cứu tại trường để giúp giảng viên thuận lợi thực hiện định hướng nghiên cứu của bản thân.
Chú trọng chuyển giao công nghệ
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu của các trường ĐH đã gia tăng rất nhiều so với trước đây. Thống kê của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, số lượng bài báo của các nhà khoa học tại Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế và tạp chí trong nước tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, phần lớn nghiên cứu đến từ các cơ sở giáo dục ĐH. Đơn cử, năm 2022, trong 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất, có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục ĐH.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, từ năm 2014, nhà trường đã ban hành quy chế về hoạt động KHCN của giảng viên và quy chế khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, bài công bố khoa học quốc tế đạt chất lượng cao được thưởng lên đến 150 triệu đồng. Những bài báo khoa học trong nước cũng có mức khen thưởng phù hợp. Mức thưởng này được điều chỉnh tăng dần và hiện là 180 triệu đồng.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chủ trương dành 5% tổng nguồn thu cho hoạt động KHCN. Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khoa học, công nghệ, công bố khoa học; thành lập các nhóm nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong trường… Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu khoa học: đề tài, dự án, vườn ươm, câu lạc bộ; hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ công tác chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ… Kết quả là thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường tăng đều qua từng năm, từ 250 bài năm 2019 đến năm 2022 đạt 455 bài.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu hiện nay cũng có ý thức nhiều hơn trong vấn đề chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ, vai trò của các trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ rất quan trọng. Đây được coi là giải pháp hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường. Dẫu vậy, từ thực tế hoạt động những năm qua có thể thấy, để nghiên cứu khoa học được triển khai, áp dụng trong thực tiễn cần nhiều nỗ lực từ nhà nghiên cứu và nhà trường, trong đó, vai trò của các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường đóng vai trò quan trọng.
GS.TS Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cho biết, trường là một trong những đơn vị thu hút tốt nguồn tài chính từ hoạt động KHCN. Hoạt động này góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo. Đồng thời, giúp cải thiện thu nhập cho cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Đây cũng là hướng đi nhà trường đang đẩy mạnh trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính một phần và sau này là tự chủ tài chính hoàn toàn để giữ chân và thu hút người tài.