Nông nghiệp tuần hoàn không thể chỉ làm một khâu như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, hay phân phối… mà yêu cầu cần phát triển đồng bộ và bền vững cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Trong đó không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp.
“Mắt xích” không thể thiếu
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 có 20.789 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), chiếm 67,8% tổng số hợp tác xã (HTX) cả nước, tăng 1.357 HTX so với năm 2022. Trong đó, có 1.769 HTXNN thành lập mới, có 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, 2.169 HTX là chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và trên 1.000 HTX hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu về số lượng HTX, tiếp đến là các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An...
Năm 2023, doanh thu bình quân mỗi HTXNN đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTXNN đạt 52 triệu đồng/người/năm. Nhiều HTX đã và đang xây dựng, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ổn định đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, trong “Đề án 1 triệu héc - ta lúa chất lượng cao”, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang triển khai có 619 HTXNN tham gia, là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của Đề án.
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đang thực hiện các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 HTXNN tham gia liên kết với 2.167 doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.644 chuỗi được chứng nhận với 2.346 sản phẩm.
Đáng chú ý, nhóm COOP.66 - gồm những HTX điển hình - đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn mạng xã hội giữa các HTX và chuyên gia để kết nối, chia sẻ thông tin. “Nhóm này cũng đã hỗ trợ xây dựng và triển khai các HTXNN hiệu quả. Đồng thời lan truyền và nhân rộng các mô hình này trên cả nước. HTX điển hình đã giúp bà con nông dân, những người tham gia trực tiếp vào sản xuất nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung” – ông Thịnh cho biết.
COOP.66 là nền tảng đi đầu dành cho các HTX ở Việt Nam, tạo điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau thông qua một diễn đàn trao đổi, thảo luận sôi nổi và tính năng quản lý nông nghiệp hiện đại. Nền tảng do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC VN), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD) triển khai và chủ trì. COOP.66 giúp theo dõi và quản lý nhiệm vụ hàng ngày một cách hiệu quả; kết nối các HTX với một mạng lưới rộng lớn của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp; cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động sản xuất, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất…
Thách thức chuyển đổi xanh
Dù được đánh giá là “mắt xích” quan trọng để hướng đến thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, tuy nhiên theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi xanh cũng đối diện nhiều thách thức. Có thể kể đến sự phát triển không đồng đều của hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của HTX; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
Là một trong những thành viên của nhóm COOP.66, bà Ma Thị Ninh - Chủ tịch HTX Yến Dương (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, tham gia COOP.66 là bước tiến lớn giúp HTX có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả sản xuất hướng đến sản xuất xanh, các HTX cần phải nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, đa phần các HTX có quy mô nhỏ gặp khó khăn về vốn. “Trên thực tế quá trình chuyển đổi số của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn như: thiếu lực lượng lao động, việc thay đổi nhận thức của người dân thực hiện chưa hiệu quả. Nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số chưa đến với các HTXNN…” – bà Ninh chia sẻ.
Tương tự, theo ông Bùi Văn Tuấn - Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm (Long An), hiện toàn bộ HTX đã có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, việc được tham gia các đề án, chương trình lớn của Bộ NNPTNT đã giúp cho HTX có thể học hỏi, phát huy được thế mạnh sẵn có của mình. “Để các HTX có thể phát triển đồng đều hơn và hướng đến phát triển sản xuất xanh, Bộ NNPTNT cần có thêm các chính sách mới để từ đó đó phát huy các mô hình đã thành công” - ông Tuấn kiến nghị.
Đánh giá vai trò của HTX trong phát triển liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy nông nghiệp xanh và giảm phát thải, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 106/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển HTXNN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đưa ra mục tiêu đến năm 2025 nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTXNN theo định hướng phát triển bền vững. Cũng như ưu tiên phát triển HTXNN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình HTXNN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ.