Với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TP HCM đã chuẩn bị quỹ đất hơn 300 ha để phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế thành phố.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành), các ngành thâm dụng lao động không còn phù hợp, trong khi sản xuất sản phẩm đầu cuối với công nghệ cao thì vẫn quá tầm so với nền kinh tế thành phố còn non trẻ. Do đó, việc thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay của TP HCM.
Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực. Các khu/cụm công nghiệp của thành phố hiện đang phát triển theo hướng đa ngành, còn thiếu các khu phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba), tình trạng chung là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư khi ứng dụng công nghệ cao. Đa số doanh nghiệp khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, nhà cung ứng.
Mặt khác, việc tìm kiếm nhà cung cấp ở Việt Nam thay thế theo các doanh nghiệp là khó khăn. Mới đây, vào cuối tháng 11, tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) 2021 ở TP HCM, có đến 22 tập đoàn đa quốc gia, nhà sản xuất đã đưa ra nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục đặt hàng lên đến hơn 400 chi tiết linh kiện, như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa…
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM (HAMEE), điều kiện để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là doanh nghiệp phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao.