Thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị tự làm

Thu Hương 14/10/2022 06:00

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 381 thiết bị thuộc 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự thi. Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, có tính thẩm mỹ và kinh tế cao, qua đó góp phần nâng cao chất lượng GDNN.

Những sản phẩm xuất phát từ thực tiễn

Tại hội thi, đoàn Đắk Nông đem đến hội thi 2 sản phẩm Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện và Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE đều thuộc Trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông. Đây đều là 2 thiết bị công nghệ số được đầu tư, trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại thuộc ngành đào tạo Công nghệ ô tô và Điện công nghiệp. Đại diện nhóm tác giả cho biết, đây là các mô hình thực tế ảo, có tính năng ưu việt hơn hẳn những thiết bị truyền thống, giúp người học nắm bắt được cấu tạo, nhận dạng các bộ phận chi tiết của động cơ một cách nhanh chóng.

Đoàn Cao Bằng lần đầu tham gia hội thi với 2 thiết bị đến từ Trường Trung cấp nghề Cao Bằng là Mô hình mạch điện chiếu sáng căn hộ và Panel thực hành trang bị điện. Đây đều là những thiết bị tiêu biểu đã được giải tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh lần thứ nhất do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng tổ chức.

Là đoàn có số lượng thiết bị dự thi lớn nhất năm nay, Hà Nội góp mặt với 31 thiết bị của 14 trường cao đẳng và 10 trường trung cấp nghề. Nhà giáo ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thông tin, với nhiều năm kinh nghiệm tham gia hội thi, 3 sản phẩm của trường xuất hiện tại hội thi năm nay đều đã được các nhóm tác giả chuẩn bị kỹ càng. Đây đều là các thiết bị dự thi ứng dụng công nghệ cao, đồng thời có tính thực tiễn cao; thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà giáo trong việc nghiên cứu khoa học, sản xuất chế tạo các thiết bị đào tạo tự làm phục vụ dạy và học hiệu quả, thiết thực, đúng với yêu cầu của nội dung đào tạo và vị trí việc làm.

Lan tỏa và nhân rộng những mô hình phù hợp

Năm nay, các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề, gồm Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông với 177 thiết bị chiếm 46%; Công nghệ Kỹ thuật cơ khí 98 thiết bị chiếm 26%; Máy tính và Công nghệ thông tin: 30 thiết bị chiếm 8% và 76 thiết bị chiếm 20% thuộc các ngành nghề khác. Dù hướng tới việc đa dạng ngành nghề tham gia hội thi song ở lần tổ chức thứ 7, vẫn có một số nhóm ngành nghề hạn chế số thiết bị tham gia, trong đó có cả nhóm nghề công nghệ thông tin, y dược.

Lý giải điều này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh - Trưởng ban Tổ chức Hội thi cho biết, với đặc thù tính sáng tạo của những ngành này dẫn tới việc khó tham gia hội thi. Tuy nhiên, ngay cả những trường không có sản phẩm dự thi vẫn tới tham gia để học hỏi từ các trường bạn cho thấy đây không chỉ là một hội thi để tôn vinh những thiết bị có tính sư phạm, tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo, tính ứng dụng cao mà còn tạo thành phong trào, giúp lan tỏa giá trị bài giảng sát thực với chương trình đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Tổng cục GDNN cần nghiên cứu tạo ra cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn. Đồng thời xem xét việc hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ tự sản xuất thiết bị đào tạo. Có chính sách để các thiết bị đào tạo tự làm đạt giải cao trong các Hội thi toàn quốc có chỗ đứng trong các cơ sở GDNN và cả những chính sách để khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo, tự thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở GDNN.

Theo ban tổ chức, sau hội thi, các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong các cơ sở GDNN, góp phần hạn chế sự thiếu hụt thiết bị trong giảng dạy và học tập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị tự làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO