Mặt trận

Thúc đẩy việc bảo đảm quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên

Tuệ Phương 31/05/2024 16:52

Ngày 31/5, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dưới góc độ giới.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo diễn đàn thảo luận các quan điểm và đóng góp ý kiến chuyên môn có giá trị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng như trao đổi chuyên sâu các vấn đề quy định của pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên; thực tiễn thực hiện tư pháp đối với người chưa thành niên; vướng mắc trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và hướng hoàn thiện.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến lồng ghép giới trong các quy định về quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; các quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội; quy định về công tác xã hội trong dự thảo Luật, các biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng với người chưa thành niên; bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên...

Tham gia đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao, cho biết: Việt Nam có nhiều bộ luật, luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, do được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật, một số quy định của pháp luật còn xung đột nhau. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, khó khăn khi áp dụng.

Qua thực tế giải quyết các vụ án hình sự với người chưa thành niên ở Việt Nam cho thấy, thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian còn dài; quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội còn nặng răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt nên sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi...

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng, Dự thảo luật còn chung chung, chưa bao quát hết các vấn đề giới trong tư pháp vị thành niên. Hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự, các chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới. Tuy nhiên, nhiều điểm trong Dự thảo Luật chỉ nhắc tới người có hiểu biết về tâm lý học và khoa học giáo dục. Do đó, cần thúc đẩy lồng ghép giới vào Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới của Dự thảo luật, giải quyết các vấn đề giới đã nêu, thúc đẩy việc bảo đảm quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên, thúc đẩy tư pháp người chưa thành niên có nhạy cảm giới…

Tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo đã cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên. Bên cạnh đó, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội. Những ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được Ban tổ chức tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy việc bảo đảm quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên